Trong giới điện ảnh miền Nam, tôi thường chơi thân với nhóm Văn nghệ Giải phóng, không chỉ do anh tôi là nhà văn Lê Văn Thảo, mà còn vì tôi thường xuyên có bài đăng trong báo Văn Nghệ Giải Phóng, khi đó anh Anh Đức phụ trách trang Văn.
Nhà chúng tôi ở An Giang cách nhau chừng ba cây số, hồi ức chuyện làng quê dễ dàng làm chúng tôi gần nhau hơn. Những bút ký chiến trường của tôi được anh lưu ý. và anh gửi thư mời tôi tham dự trại sáng tác hay còn gọi là trường viết văn khóa II của Tiểu ban Văn nghệ R, do chính anh phụ trách. Thái độ ôn hòa, chuẩn mực, nghiêm nghị, từ tốn của anh trong việc mời mọc anh chị em viết văn khắp miền Nam về dự trại viết, thái độ khiêm nhường của anh khi góp ý kiến bài vở khiến anh chị em nể phục. Từ đó, tôi thường xuyên gửi bài cho anh và những bài viết ấy đã được đăng chu đáo trong các trang báo văn nghệ, phát trên đài phát thanh Giải phóng.
Nhà văn Anh Đức tại nhà riêng năm 2013. Ảnh: LÊ VĂN DUY
An Giang quê tôi có khá nhiều nhà văn nổi tiếng như Viễn Phương, Mai Văn Tạo, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo… Tôi vốn thích làm phim chân dung văn nghệ sĩ. Năm 1980, tôi thực hiện phim tài liệu Đối thoại với quê hương. Trong phim này tôi đã thể hiện tất cả nhà văn quê hương tôi. Sau này, các đài truyền hình nở rộ, thiên hạ đua nhau làm phim nhưng dạo đó thì chẳng có ai nghĩ đến chuyện này. Do vậy hình ảnh anh Anh Đức lên phim khi đó được xem là khá hiếm.
Bây giờ thì ngôi mộ ở Hòn Đất đã mang tên thật Phan Thị Rành. Nhưng khi ấy, trong dịp tôi dẫn đoàn học sinh cấp 1, cấp 2 một trường gần đó đến thăm thì ngôi mộ lại ghi tên là mộ chị Sứ. Và đồng bào nơi đó cũng gọi là mộ chị Sứ. Có lẽ trong văn học Việt Nam, lần đầu tiên có tên một nhân vật hư cấu bỗng biến thành nhân vật sống thật ngoài đời.
Không chỉ có vậy, trong một lần anh về Long Xuyên, tham quan Bảy Núi, tôi đã giới thiệu với anh, cậu em trai chị Phan Thị Rành đang là bí thư trị trấn Tri Tôn - có mặt trong phim tôi những năm 1970 ở đồi Tức Dụp. Vậy là sau đó anh đã ân cần ghé nhà thăm mẹ chị Phan Thị Rành mà ở địa phương vẫn gọi là mẹ chị Sứ. Sau này, tôi nghe nói anh đã gián tiếp giúp đỡ mẹ chị Phan Thị Rành vào chữa trị bệnh trong BV Từ Dũ… Anh là một con người tình nghĩa như thế đó.
Rồi trong chuyến đi tham dự trại sáng tác Nha Trang, anh cũng đã ghé thăm gia đình chị Tư Hậu, nhân vật trong truyện Một chuyện chép trong bệnh viện, sau này đã chuyển thành phim truyện xuất sắc Chị Tư Hậu. Tôi không bàn về tài năng hư cấu, khả năng nhạy cảm của nhà văn mà chỉ muốn nói thật hiếm có nhà văn nào còn nhớ đến những người vô danh đã giúp mình thành công trên đường sáng tác, giống như tôi đã thấy ở con người nhân hậu như anh. Anh không hề có thái độ kênh kiệu hay làm cao của người đi trước. Khi bước sang lĩnh vực điện ảnh, bao giờ anh cũng khiêm tốn ngồi lắng nghe ý kiến giới điện ảnh chuyên nghiệp và khi cần phải phát biểu thì anh luôn nói năng cẩn trọng, nhẹ lời. Do anh không uống rượu, ít giao du theo kiểu lãng tử nên có người trẻ chưa thấu hiểu anh.
Nói về những người tôn trọng, tôn vinh tiếng Việt, người đầu tiên tôi nhớ đến là nhà văn Anh Đức. Khi làm phim chân dung nhà văn Anh Đức, tôi biết nhiều truyện, tiểu thuyết của Anh Đức được khá nhiều quốc gia trên thế giới dịch sang tiếng nước họ và in thành sách. Ngày tôi tình cờ gặp một anh bạn học thời trẻ là chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở Nhật, anh có cho tôi xem khá nhiều truyện của Anh Đức đã được chính bạn tôi dịch và đăng trên tạp chí văn học của hội. Có lẽ bạn đọc trẻ thời nay ít biết điều này.
Vô cùng thương tiếc anh Anh Đức, tôi bồi hồi nhớ về một người anh trong văn chương miền Nam sống mực thước, chân tình, thiết tha với sự trung hậu đậm chất nhân văn của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long.
LÊ VĂN DUY
Nhà văn Anh Đức đã qua đời vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 21-8 tại TP.HCM, ở tuổi 79 do tuổi cao, sức yếu. Nhà văn tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5-5-1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông tham gia cách mạng từ sớm và có nhiều đề tài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam ca ngợi tình người, sự anh dũng của lực lượng kháng chiến. Trong đó, Hòn đất viết trong hai năm 1964 và 1965 về cuộc chiến đấu của dân và quân huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) với nhiều nhân vật sống động, khắc họa tiêu biểu cuộc chiến tranh thời bấy giờ. Tác phẩm sau này còn được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ. Các tác phẩm Giấc mơ ông lão vườn chim, trích đoạn Hòn đất và trích đoạn Bức thư Cà Mau của ông từng được đưa vào giảng dạy ở chương trình văn học phổ thông. Truyện ngắn Một chuyện chép ở bệnh viện sáng tác năm 1958 của ông được lấy làm kịch bản cho phim truyện đặc sắc Chị Tư Hậu (1962). Ông đã được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Tang lễ nhà văn được cử hành tại Hội liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo, quận 3). Lễ động quan được tiến hành vào lúc 8 giờ sáng Chủ nhật, ngày 24-8, sau đó đưa đi an táng ở Nghĩa trang TP.HCM. HOÀNG LAN |