Tin nghệ sĩ Mai Lan qua đời khiến không ít đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng đau xót. Bởi mới Tết 2018 này bà còn xuất hiện trong chương trình “Nghệ sĩ tri âm” để nhận quà từ nghệ sĩ Kim Cương. Bởi gần đây khá nhiều nghệ sĩ lớn tuổi thế hệ của bà mất đi nhanh chóng quá. Bởi bà có cuộc đời nhiều nỗi xót xa dù là một cô đào tài sắc...
Nghệ sĩ Mai Lan thời xuân sắc. Ảnh tư liệu
“Đệ nhất đào lẳng” ở đoàn đại bang
Nghệ sĩ Mai Lan tên thật là Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1944 ở Sài Gòn.
14 tuổi nghệ sĩ Mai Lan được nghệ sĩ Minh Tài giới thiệu về Đoàn cải lương Thúy Nga - một đoàn hát đại bang lúc bấy giờ từng tạo nên tên tuổi của soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng và nghệ sĩ Thành Được với vở Khi hoa anh đào nở. Tại đây Mai Lan vừa học vừa hát và ngày càng được chú ý với sắc vóc xinh đẹp, cao ráo, có giọng ca tốt.
Thế nhưng tổ nghiệp đã chọn cho Mai Lan con đường làm đào độc lẳng chứ không làm đào chánh, đào mùi như cô bé Nguyễn Thị Lan từng ao ước. Nhìn rõ khả năng của mình, Mai Lan chấp nhận con đường theo đào tính cách.
Từ Đoàn cải lương Thúy Nga, Mai Lan đã được mời sang nhiều đoàn cải lương tên tuổi khác như Thanh Minh Thanh Nga, Út Bạch Lan - Thành Được, Hữu Tâm và càng lúc càng trở nên nổi tiếng. Giai đoạn này Mai Lan để lại ấn tượng với vai Thiên Kim độc ác trong tuồng Tiếng chuông Thiên Mụ do soạn giả Bạch Diệp - Minh Nguyên “đo ni đóng giày" cho mình.
Nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Mai Lan trong hậu trường chương trình "Nghệ sĩ tri âm" phát quà cho nghệ sĩ nghèo Tết 2016. Anh đã cúi chào nghệ sĩ Mai Lan, xin chụp ảnh cùng bà và nói rằng anh ngưỡng mộ bà. Ảnh: Hòa Bình
Khoảng những năm đầu thập niên 1960, Mai Lan được mời về đoàn cải lương đại bang danh tiếng nhất lúc bấy giờ là Dạ Lý Hương hát với Tấn Tài, Bạch Tuyết. Tại đây, cô đào Mai Lan để lại dấu ấn với vai diễn Kim Hoa bà bà trong vở cải lương Cô gái Đồ Long của Hà Triều Hoa Phượng.
Khi Đoàn Dạ Lý Hương chuyên diễn những tuồng cải lương tâm lý xã hội nhưThảm kịch tuổi xanh, Gái bán bar, Tiền rừng bạc biển, Lệnh của bà, Đời là một chữ T… thành thế mạnh, Mai Lan càng trở nên chuyên trị những vai đào độc lẳng là những bà mệnh phụ ăn chơi, những cô tiểu thư hống hách, độc ác. Vai diễn bà Lệ Hải mê trai của Mai Lan đóng với Hùng Cường trong vở Tiền rừng bạc biển còn được đồng nghiệp, khán giả nhớ đến ngày hôm nay.
Mai Lan đã được báo chí ghi nhận là “đệ nhất đào lẳng”. Cùng với những tên tuổi nghệ sĩ lừng lẫy như: Ba Vân, Thanh Việt, Văn Chung, Tư Rọm, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Kim Ngọc, Hồng Nga, Dũng Thanh Lâm, Phương Ánh…, Mai Lan đã tỏa hương sắc riêng, làm nên cái tên đại bang Dạ Lý Hương, góp phần làm nên sự rực rỡ của cải lương một thời.
Nghệ sĩ Mai Lan (ngồi xe lăn) và cố nghệ sĩ Ngọc Hương (ngồi ghế) và nghệ sĩ Hồng Sáp, Tết 2016. Ảnh: Hòa Bình
Sau năm 1975, nghệ sĩ Mai Lan chuyển sang đóng kịch cho Đoàn Kịch nói Kim Cương, ngoài khả năng độc lẳng, Mai Lan còn chinh phục khán giả ở khả năng diễn hài. Khán giả thập niên 1980 không thể nào quên được vai Lan Nhí với ngoại hình phì nhiêu của Mai Lan trong vở Vực thẳm chiều cao phát trên tivi khiến khán giả cười nghiêng ngả. Lối diễn này của Mai Lan ảnh hưởng rất nhiều đến các nghệ sĩ thế hệ sau.
Giàu sang, hung dữ trên sân khấu; thiệt thòi, chua xót trong đời
Thuở nhỏ, Mai Lan và mẹ sống đơn côi, không nhà, nương thân trong một ngôi chùa ở khu vực Chợ Lớn cho đến năm bà 14 tuổi, đi theo đoàn hát. Là cô đào tài sắc vẹn toàn nhưng Mai Lan không có cái duyên tổ đãi đóng vai đào thương, đào chánh nên thu nhập cũng không bằng những cô đào tên tuổi đương thời.
Nghệ sĩ Mai Lan (ngồi xe lăn) nhận quà Tết 2018.
27 tuổi, đang thời xuân sắc, sự nghiệp rực rỡ, Mai Lan đám cưới, sinh con. Những tưởng tuổi thơ đơn côi sống cùng mẹ, giờ đây Mai Lan sẽ có được một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc khi tạo lập gia đình. Không ngờ người chồng nát rượu, tính cách trăng hoa, sau nhiều năm chịu đựng, Mai Lan đành ly dị và một thân nuôi con.
Năm 1995, cải lương, kịch nói vốn đã sa sút, Mai Lan còn bị tai nạn giao thông trong một lần đi lưu diễn khiến hai chân bị thương, không còn diễn được nữa. Bà về quê sống với người thân. Từ đó bà mang trong người rất nhiều chứng bệnh tiểu đường, xương mỏng, bệnh tim, tay chân sưng phù đau nhức, bị vấp té xương cân hoài không lành...
Tuổi già nghèo khó, bà không tiền thuốc thang đầy đủ, không người thân túc trực chăm nom khi lên TP chữa bệnh, chỉ có đồng nghiệp, khán giả thương nhớ lâu lâu quan tâm gửi cho ít tiền. Bao nhiêu lần thập tử nhất sinh, đau đớn cùng cực, Mai Lan cứ âm thầm chịu đựng. Cộng thêm vào đó là nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu quay quắt mà Mai Lan thường xuyên thổ lộ.
Giờ thì Mai Lan đã ra đi, mang theo cả những cơn đau, nỗi sầu thương sân khấu lẫn sự nhớ thương, ngậm ngùi của đồng nghiệp, khán giả thương yêu.
Tang lễ của nghệ sĩ Mai Lan được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM. Lễ tẩn liệm được tiến hành lúc 17 giờ 30 ngày 21-5. Vì các con của bà ở nước ngoài đang thu xếp công việc về thọ tang mẹ nên tang lễ được tổ chức một tuần tại chùa Vĩnh Nghiêm. Lễ động quan tổ chức lúc 6 giờ ngày 29-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Dương. |