Vinh danh công lao danh tướng Võ Tánh

Sáng 5-6, UBND quận Phú Nhuận đã tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp TP đối với di tích kiến trúc nghệ thuật lăng Võ Tánh (19 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận).

Nội thất gian thờ chính của khu lăng mộ Võ Tánh. Ảnh: Q.T

Khu lăng mộ của danh tướng Võ Tánh đã được công nhận di tích vào ngày 30-12-2019, tuy nhiên đến nay UBND quận Phú Nhuận mới tổ chức được buổi lễ để từ hôm nay (5-6), lăng mở cửa đón người dân, du khách tham quan, thăm viếng danh tướng nhà Nguyễn này.

Từ năm 1802, theo lời thỉnh cầu của dân Gia Định, vua Gia Long đã ra sắc chỉ lập miếu thờ và lăng mộ Võ Tánh tại thôn Phú Nhuận để người dân tiện việc đi lại, cúng bái.

Tam quan được xây vào năm 1951, khu tường bao xây vào năm 2006-2007. Ảnh: Q.T

Lăng mộ danh tướng Võ Tánh xây theo hình trục thẳng, kiểu kẻ chuyền cổ điển (chữ nhất). Từ hai chiếc đỉnh vào khu mộ có cấu trúc đối xứng trên một đường thẳng gọi là thân đạo.

Cổng tam quan được xây dựng vào năm 1951 bị lệch về phía bên trái theo hướng khu đất không cân đối. Toàn bộ khu mộ xây chắc, kiên cố, không cầu kỳ với nụ đen, đầu bờ tường… đơn giản.

Khu mộ đơn giản với bình phong tiền và hậu. Đền thờ và mộ có tổng diện tích là 539m2. Ảnh: Q.T

Toàn bộ khu lăng mộ có giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc to lớn bởi lăng xây từ năm 1802 với kiến trúc đặc trưng của mộ cổ vùng Nam bộ với các bộ phận: Bình phong tiền, trụ cổng, sân thờ, bệ thờ, nấm mộ, bình phong hậu, tường bao. Đây cũng là kiến trúc đặc trưng của đình làm truyền thống Nam bộ. Nội thất lăng có hoành phi, cân đối, bao lam có giá trị.

Khu vực sân vườn với diện tích đất 2.222,8m2 với các loại cây, hoa, trái đặc trưng Nam bộ. Ảnh: Q.T

Trước đây, khu lăng mộ Võ Tánh nằm trong khu vực quân sự, có giai đoạn thuộc khu đất của Quân khu 7, cho đến những năm 1990 mới được bàn giao cho UBND phường 9, quận Phú Nhuận. Từ năm 2006-2007, diện tích lăng mộ được quy hoạch lại và đền thờ, mộ được trùng tu, nâng cấp; đồng thời xây dựng thêm nhà bảo vệ và tường rào bảo vệ như hiện nay.

Khu di tích lăng mộ Võ Tánh sẽ mở cửa đón khách từ 7 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Ảnh: Q.T

Từ ngày 5-6 khu lăng mộ Võ Tánh sẽ mở cửa đón người dân, du khách tham quan, lễ bái… từ 7 giờ đến 21 giờ hằng ngày.

Trên địa bàn quận Phú Nhuận, ngoài lăng mộ danh tướng Võ Tánh còn có lăng mộ của nhiều đại thần triều Nguyễn: Lăng Phan Tấn Huỳnh, lăng Trương Tấn Bửu, lăng Võ Di Nguy…

Danh tướng Võ Tánh

Võ Tánh quê gốc ở huyện Phước An, Biên Hòa. Ông tinh thông võ nghệ, binh thư, được người thời đó xưng tung là một trong “Gia Định tam hùng” (hai người còn lại là Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp). Những năm 1784-1788 ông là người mở rộng bờ cõi vùng Gò Công (Tiền Giang ngày nay). Từ năm 1788 ông phò tá chúa Nguyễn Ánh.

Năm 1799, ông trấn thủ thành Bình Định (Quy Nhơn ngày nay). Thành bị quân Tây Sơn vây gần hai năm, cuối cùng ông đã gửi thư cho Trần Quang Diệu mong không giết hại binh sĩ, người dân; riêng ông đã tuẫn tiết khi thành thất thủ.

Ông được vua Gia Long truy tặng tước Quốc Công, cho người thu liệm hài cốt về chôn cất tại Phú Nhuận, Gia Định. Sau này vua Minh Mạng truy phong ông tước Hoài Quốc Công. 

TP.HCM sẽ có tên đường Lê Văn Duyệt?
TP.HCM sẽ có tên đường Lê Văn Duyệt?
(PL)- TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến người dân về việc đổi tên một đoạn đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) thành Lê Văn Duyệt, cũng là tên gọi trước năm 1975 của đoạn đường này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm