Trước đó, tại hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc UNESCO (MOWCAP) diễn ra tại Huế trong tháng 5 đã công nhận “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” là một trong hai hồ sơ được công nhận là Di sản tư liệu với sự đồng thuận đạt số phiếu tuyệt đối.
Được biết hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm những tác phẩm được tuyển từ vô số trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925).
Với sự khắc nghiệt của thời gian, thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ loại hình như thơ, văn, câu đối, đại tự... Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, trong nội thất và ngoại thất kiến trúc cung đình.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế: “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là sản phẩm trí tuệ của các vị hoàng đế triều Nguyễn, được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ, tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.
Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn.
Hiện tại Huế có năm di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).