VKSND TP.HCM đang giải quyết đơn khiếu nại và đơn yêu cầu bồi thường oan của ông Nguyễn Huy Chi, 93 tuổi, ngụ phường Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.
Trong ba ngày 22, 23 và 25-11, cơ quan này đăng thông báo trên báo Pháp Luật TP.HCM để nhắn hỏi ông Chi đang ở đâu, đồng thời đề nghị ông liên hệ VKS trong thời gian sớm nhất để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
VKS muốn giải quyết dứt điểm
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ông Chi và gia đình đã bán nhà, chuyển đi nơi khác sinh sống. Hàng xóm cho biết họ không rõ gia đình ông đã chuyển đi đâu...
Cuối năm 2017, thông qua luật sư Nguyễn Phương Đông - trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM, báo Pháp Luật TP.HCM đã gặp được ông Chi. Qua chia sẻ của ông cùng với hồ sơ mà ông cung cấp, câu chuyện về vụ án liên quan đến ông được tái hiện.
Theo đó, tháng 4-1995, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM bắt khẩn cấp ông với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Sau 10 tháng tạm giam, tháng 2-1996, ông Chi được thả tự do. VKSND TP.HCM ban hành Quyết định trả tự do số 163 ngày 14-2-1996 đối với ông Chi vì xét thấy hậu quả chưa xảy ra. Cạnh đó ông Chi cũng có đơn xin bảo lãnh của gia đình, phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, hiện đã 70 tuổi...
VKSND TP.HCM nêu trong quyết định trả tự do: “Khi cơ quan pháp luật triệu tập, bị can có trách nhiệm phải đến đúng ngày giờ quy định. Về địa phương, bị can phải trình diện với UBND xã”.
Thế nhưng kể từ đó cơ quan tố tụng không triệu tập ông đến làm việc để giải quyết vụ án, cũng không thông báo cho ông về kết quả điều tra, truy tố, hay triệu tập ông đến phiên tòa để xét xử. Từ đó ông Chi khiếu nại suốt nhiều năm nhưng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Huy Chi tại báo Pháp Luật TP.HCM vào cuối năm 2017. Ảnh: P.LOAN
Kêu oan đến cùng
Tháng 1-2010, ông Chi nhận được thông báo giải quyết đơn của VKSND TP.HCM. Theo thông báo, sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và nội dung quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can ngày 22-6-1996, ông Chi đã được đình chỉ điều tra với lý do “chưa gây ra hậu quả nên chỉ cần xử lý hành chính cũng đủ để giáo dục”.
Do vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 1, Điều 2 Nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trường hợp của ông không thuộc diện được bồi thường oan. Mặt khác, đối chiếu với quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm kể từ ngày Nghị quyết 388/2003 có hiệu lực nhưng đến ngày 8-5-2009 ông mới gửi đơn yêu cầu bồi thường nên không thuộc diện xem xét giải quyết bồi thường.
Theo VKSND TP.HCM, ngày 2-10-2009, VKSND TP.HCM đã gửi văn bản trả lời cho ông Chi biết lý do VKS không giải quyết bồi thường theo đơn yêu cầu của ông. Lần trả lời vào tháng 10-2009 này là lần thứ hai VKSND TP.HCM trả lời ông.
Tuy nhiên, theo ông Chi, suốt nhiều năm ông không được tống đạt các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Ông cũng không thấy có quyết định xử phạt hành chính với mình để được biết cơ quan nào xử lý, hình thức xử lý, các chế tài và biện pháp khắc phục hậu quả. Vì thế ông tiếp tục khiếu nại và yêu cầu được bồi thường oan.
Ông Chi cho biết mình tham gia cách mạng từ tháng 4-1945, được Nhà nước tặng huân chương Kháng chiến hạng Nhất, được kết nạp Đảng năm 1959. Năm 1996, trong quyết định trả tự do cho ông Chi nêu trên, VKSND TP.HCM xác định tuổi của ông khi đó là 70 (tức đến nay ông Chi đã 93 tuổi).
Trong lần tiếp xúc với Pháp Luật TP.HCM năm 2017 ông Chi tâm sự: “Suốt bao năm nay tôi mang thân phận bị can, không được sinh hoạt Đảng. Tôi không biết cơ quan nào đã xử phạt hành chính và gửi cho địa phương chưa? Nay tôi đã gần đất xa trời, sức khỏe ngày càng cạn kiệt nhưng dù có chết tôi cũng phải đòi công lý cho mình!”.
Thuộc diện được xem xét bồi thường oan Ngày 25-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một đại diện VKSND TP.HCM cho biết ông Chi thuộc diện được xem xét bồi thường oan. Theo vị này, hiện ông Chi đã rất lớn tuổi, VKS đã liên hệ địa chỉ nơi ông cư trú nhiều lần nhưng không được. Trong khi ông Chi gửi đơn nhiều lần nhưng chưa từng đến VKS để làm rõ các yêu cầu của mình. Hiện có nguồn tin nói ông đang ở Vĩnh Long, chúng tôi sẽ cử người đi công tác đến đó để tìm gặp ông hoặc con cháu của ông Chi. “Nếu nhà báo hoặc ai đó có thông tin gì về ông và gia đình ông thì xin thông báo cho VKSND TP.HCM biết” - vị này nói. |