Sáng 23-5, nhằm thực hiện kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2017 tại TP.HCM, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP.HCM đã tổ chức hội nghị với chuyên đề: Giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin tại hội trường nhà khách Người Có Công.
Tham gia hội nghị có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; Liên đoàn Lao động TP, Thành đoàn; Hội Liên hiệp Phụ nữ TP; Hội Cựu chiến binh TP; Hội Nông dân TP; Hội Luật gia TP; Đoàn Luật sư TP; TAND TP; VKSND TP; Báo cáo viên pháp luật và các sở, ban ngành TP.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CY
Tại hội nghị, báo cáo viên luật sư Lê Bân, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn báo Người Lao Động, giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
Theo ông Bân, kế thừa những quy định của Luật Báo chí 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành Quốc hội đã ban hành Luật Báo chí 2016 đầy đủ, chi tiết hơn và có thể áp dụng được ngay mà không phải đợi văn bản hướng dẫn.
Luật Báo chí 2016 đã mở rộng đối tượng thành lập cơ quan báo chí khi bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học như cơ sở giáo dục ĐH, tổ chức nghiên cứu khoa học, bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương…
Đáng chú ý, Luật Báo chí 1989 chỉ quy định báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp theo yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên.
Nay Luật Báo chí 2016 bổ sung: Viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Ông Bân cũng lưu ý các nhà báo về các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Theo ông Luật Báo chí 2016 đã quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm như thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác…