VKS Tối cao kiến nghị Khánh Hòa xử lý trách nhiệm chậm thi hành án hành chính

(PLO)- VKSND Tối cao kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm ba bản án hành chính và xử lý trách nhiệm những người liên quan.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 23-2, nguồn tin PLO cho biết VKSND Tối cao đã có văn bản kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý vi phạm trong thi hành án hành chính (THAHC).

Theo VKSND Tối cao, đến ngày 25-1, tỉnh Khánh Hòa còn tồn ba bản án hành chính chưa thi hành xong. Trong đó, có hai bản án thuộc trách nhiệm của UBND TP Nha Trang. Còn lại là bản án hành chính phúc thẩm số 72 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ngày 11-3-2022 buộc Sở TN&MT tỉnh Khánh Hòa giải quyết hồ sơ giao đất của Công ty TNHH Thái Bình.

khánh hòa.jpg
Thửa đất liên quan bản án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành. Ảnh: T.N

Theo VKSND Tối cao, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo giám đốc Sở TN&MT thi hành dứt điểm việc giải quyết hồ sơ giao đất cho Công ty Thái Bình.

VKS cho rằng việc Sở TN&MT Khánh Hòa chưa thi hành xong bản án của tòa, chưa bị xem xét trách nhiệm về chậm THAHC là chưa thực hiện đúng quy định Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71 ngày 1-6-2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.

VKS viện dẫn Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định người thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của tòa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án. Cơ quan phải thi hành bản án, quyết định của tòa phải thông báo kết quả thi hành án bằng văn bản cho tòa.

Bên cạnh đó, Nghị định 71 quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân là người phải thi hành án có trách nhiệm tổ chức thi hành bản án, chịu trách nhiệm trước việc chậm thi hành án, không chấp hành hoặc chấp hành không đúng không đầy đủ bản án; xử lý kỷ luật đối với cá nhân thuộc phạm vi quản lý có hành vi chậm thi hành án.

Ngoài ra, Nghị định 71 cũng quy định người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án; xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm thi hành án.

Đồng thời, xem xét xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án theo kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và thông báo kết quả trong thời hạn 5 ngày.

VKSND Tối cao kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo giám đốc Sở TN&MT, chủ tịch UBND TP Nha Trang tổ chức thi hành dứt điểm các bản án hành chính trên. Đồng thời, chỉ đạo xem xét xử lý trách nhiệm của cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án.

VKSND Tối cao vừa có giải đáp, hướng dẫn giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính. Trong đó, VKSND Tối cao hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá việc cố ý chậm hoặc không THAHC theo quy định của Nghị định 71.

Theo VKS, về nguyên tắc, khi bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật và nội dung đã tuyên rõ thì mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan buộc phải thi hành.

Luật Tố tụng hành chính và Nghị định 71 đã quy định rõ thời hạn tự nguyện thi hành án và thời hạn thi hành quyết định buộc thi hành án.

Do đó, quá thời hạn quy định nhưng người phải THAHC không thực hiện đúng và không chứng minh được trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc chậm, không thi hành án hoặc thi hành án không đầy đủ thì điều xác định là vi phạm lỗi cố ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm