Theo hồ sơ, khuya 14-3-2015, Đặng Hữu Thời và bạn trên đường về nhà thì bị rượt chém ở đầu và vai. Thời về nhà lấy mã tấu và rủ bốn người bạn đi tìm người hành hung mình để trả thù. Vài tiếng sau, khoảng 1 giờ sáng, thấy nhóm ba người đi bộ ăn cháo, Thời cầm hung khí chạy qua rượt đánh và chém trúng một người. Khi phát hiện chém nhầm, nhóm Thời rút đi, nạn nhân bị thương tích 45%. Riêng Thời đi cấp cứu lúc 2 giờ sáng, đến 4 giờ chiều thì trốn bệnh viện về.
Bị hủy án vì chứng cứ lỏng lẻo
Sau đó cả năm bị can bị truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS cũ. Năm 2016, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên Thời bảy năm tù, Lâm Hải Long ba năm tù, Nguyễn Hoài Nam bốn năm tù, Lê Phước Trung ba năm sáu tháng tù và Nguyễn Anh Duy năm năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
Cả năm bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 4-11-2016, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Tòa phúc thẩm cho rằng nhiều chứng cứ mâu thuẫn, chưa đủ căn cứ buộc tội. Quá trình điều tra, cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bị cáo Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém trả thù cùng một khoảng thời gian là không phù hợp. Có nhân chứng xác nhận Duy rời khỏi phòng nhậu đi mua bia thì phải làm rõ sau khi mua Duy có mang bia về không, mua ở đâu. Trong khoảng 5-10 phút đó có đủ để đi đánh nhau hay không.
Về phía bị hại, ban đầu khai rằng không thể nhận dạng người đã chém mình vì ban đêm, sự việc xảy ra rất nhanh. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại lại chỉ người chém mình là Nam.
Trong khi đó, năm bị cáo kêu oan cho rằng bị đánh đập và bị ép ký vào biên bản nhận tội có sẵn, họ cho rằng không có mặt tại hiện trường ở thời điểm xảy ra vụ ẩu đả. Cụ thể, Thời cho rằng sau khi bị chém thì nhờ người báo công an rồi đi cấp cứu ngay chứ không đi tìm ai để trả thù. Long khai đêm đó đi ăn bánh mì, sau đó ngủ tại nhà cùng ba người bạn và nhắn tin trên Facebook (có bản chụp ngày giờ và nội dung tin nhắn). Trung thì cho rằng đêm đó đang ngủ ở nhà với hai con, khi nghe có đánh nhau thì Trung mới chạy ra xem. Còn Duy khai đêm đó uống bia tại phòng trọ với bạn từ 10 giờ đến sáng hôm sau...
Bốn bị can kêu oan và gửi đơn kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền. Ảnh: PL
VKS thừa nhận vi phạm tố tụng
Ngày 10-4-2017, Công an TP Cà Mau có kết luận điều tra mới nhưng khi chuyển sang thì bị VKSND cùng cấp trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau hai năm bị tạm giam, ngày 16-6-2017, cả năm bị can được tại ngoại. Tháng 7-2017, VKSND TP Cà Mau trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ hai.
Ngày 20-10-2017, VKSND TP Cà Mau gia hạn thời hạn ra quyết định truy tố trong thời hạn 15 ngày (từ ngày 21-10 đến 4-11-2017). Thế nhưng ngày 4-4 vừa qua, tức 17 tháng sau ngày hết thời gian gia hạn, VKSND TP Cà Mau tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ ba.
Để làm rõ vụ việc, báo đã gửi công văn đến VKSND tỉnh Cà Mau, VKSND TP Cà Mau để ghi nhận ý kiến về việc vì sao VKSND TP Cà Mau chậm ban hành các quyết định về vụ án và vi phạm tố tụng không khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung ba lần.
Tại cuộc họp giao ban báo chí tháng 4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cũng đề nghị VKSND tỉnh cung cấp thông tin liên quan đến việc giải quyết vụ án này.
Trong công văn trả lời Pháp Luật TP.HCM, VKSND TP Cà Mau nêu do tính chất phức tạp trong việc đánh giá chứng cứ nên cơ quan này đã thỉnh thị ý kiến của VKSND tỉnh. VKSND tỉnh hai lần yêu cầu VKSND TP điều tra thu thập thêm chứng cứ. Từ đó, VKSND TP đã trả hồ sơ cho CQĐT. Sau khi kết thúc điều tra bổ sung lần thứ hai, CQĐT đã chuyển hồ sơ lại cho VKS. Tuy nhiên, xét thấy vẫn còn khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ nên VKSND TP tiếp tục xin ý kiến lần thứ ba. VKSND tỉnh đã xin ý kiến VKSND Tối cao hai lần.
Cũng theo VKSND TP Cà Mau, đến ngày 25-3 VKSND Tối cao có Công văn 1113 thông báo ý kiến của liên ngành tư pháp trung ương yêu cầu điều tra làm rõ một số vấn đề. Ba ngày sau đó liên ngành tư pháp hai cấp họp và liên ngành tư pháp cấp tỉnh thống nhất điều tra bổ sung lần thứ ba. Ngày 4-4, VKSND TP Cà Mau đã trả hồ sơ cho CQĐT.
Trong công văn VKSND TP Cà Mau cũng thừa nhận việc chậm ban hành các quyết định liên quan đến vụ án và việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ ba là vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, việc vi phạm là do tính chất phức tạp của vụ án, phải xin ý kiến chỉ đạo của các cấp nhiều lần nhằm tránh oan, sai cũng như bỏ lọt tội phạm.
Cần lưu tâm các chứng cứ ngoại phạm Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, chứng cứ ngoại phạm là bằng chứng có giá trị chứng minh mạnh. Tình tiết của vụ án cho thấy bảy người đều có dấu hiệu bị bắt nhầm. Thực tế đã có hai người bị bắt nhầm được thả vì có chứng cứ ngoại phạm. Vì vậy cấp có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo các chứng cứ để đảm bảo không làm oan người vô tội. Theo quy định, sau hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà CQĐT vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để kết tội thì VKS cần thiết phải đình chỉ. Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần thứ ba là trái với khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015 và Thông tư 02/2017. Theo điều luật trên thì VKS chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần, mỗi lần trả không quá hai tháng. Ngoài ra, việc chậm ban hành quyết định truy tố hoặc đình chỉ vụ án của VKSND TP Cà Mau là trái với Điều 240 BLTTHS 2015. Năm bị can bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS cũ, thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng. Như vậy, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra một trong các quyết định: Truy tố hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng không được quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG,nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Hai người bị bắt khẩn cấp, sau được thả Ngoài năm bị cáo thì vụ án còn có anh Hà Gia Nguyên và anh Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp nhưng sau đó cả hai anh được thả. Anh Phong được xác định tại thời điểm xảy ra vụ án đang làm việc ở quán karaoke (có chủ quán xác nhận và camera ghi lại hình ảnh). Còn anh Nguyên từng viết “tờ nhận tội” nhưng đêm đó làm việc ở một nhà nghỉ cách hiện trường hơn 100 km (có chủ nhà nghỉ xác nhận và hình ảnh chứng minh). |