An Nam tạp chí số 23, xuất bản năm 1931 có đăng truyện của nhà văn Nguyễn Công Hoan với nhan đề “Răng con vật của nhà tư bản”. Đó là câu chuyện của một người ăn xin, đói đến mức phải tranh cướp phần ăn của một con chó. Chỉ vì con chó, giá 370 đồng, bị đánh gãy cái răng mà nhà tư sản đã phóng xe đuổi theo đòi kẹp chết đứa ăn mày khốn khổ. Cái kết của truyện là việc nhà tư bản gầm lên: À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng.
Chó becgie rất hung dữ. Ảnh: Quốc Anh
Gần 80 năm sau, “câu chuyện Răng con vật của nhà tư bản” một lần nữa được lặp lại nhức nhối hơn, với cái kết tàn nhẫn hơn khi nạn nhân Phạm Thị Ngắn, một phụ nữ nghèo ở Ea Kao- Buôn Ma Thuột đi mót cà phê bị đàn chó hung hãn cắn xé đến chết, bị bầy cầm thú ăn mất một phần cơ thể.
Cái chết đau đớn và khốn khổ của người phụ nữ nghèo diễn ra ngay trước mắt những người khác, khi đó cũng đang phải hoảng loạn trèo cây trốn đàn chó dữ. Khi bị con chó đầu tiên tấn công, người phụ nữ nghèo khổ đã phải bỏ chạy, đã phải van xin viên quản lý trang trại của Công ty TNHH Trường Ngọc Nguyễn Đình Sơn. Đáp lại, viên quản lý chỉ lạnh lùng: “Cho cắn chết. Ai nhủ (bảo) vào”, rồi bỏ đi, rồi để mặc cho thêm 5 con chó nữa lao vào cắn xé nạn nhân.
Sự tàn bạo phi nhân tính, sự lạnh lùng đến mức vô cảm của viên quản lý và cái chết không toàn thây của người phụ nữ xấu số đã gây ra làn sóng công phẫn sâu sắc trong dư luận. Nhất là sau đó, kiểu đền mạng “ba chục bạc” lại được lặp lại khi đại diện Công ty Trường Ngọc mang ra 120 triệu đồng để “đền mạng”.
Năm 2007, sau khi nghe tin bé Bảo Trân 18 tháng tuổi đã mất sau nhiều ngày hôn mê vì bị bảo mẫu Lê Vi dán băng keo vào miệng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết: “Cái chết của những đứa bé này là bản thông điệp đau buồn và xấu hổ nhất năm 2007 gửi đến chúng ta”.
Rồi khi vụ em gái Nguyễn Thị Bình bị ngược đãi, bị nhục hình suốt 13 năm với tấm lưng và đôi bàn tay ngang dọc những vết sẹo với thương tích vĩnh viễn tới 37% được đưa ra công luận, nhiều người đã hỏi vậy thì tổ dân phố, hội phụ nữ, vậy thì chính quyền, đoàn thể địa phương các cơ quan chức năng đã ở đâu, đã làm gì khi vụ việc xảy ra!
Vô cảm không phải là một tính cách của người Việt. Nhưng rõ ràng sự vô cảm sinh ra từ sự sợ hãi cái ác. Và sự sợ hãi đó bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng vào hiệu năng của cách xử lý cái ác. Đó là nguyên nhân khiến người ta thấy cái ác mà không dám tố cáo, thấy điều bất lương mà không dám can thiệp, sợ kẻ gian mà không dám bênh người ngay vì sợ liên lụỵ đến bản thân.
Trở lại với vụ việc người đàn bà bị chó cắn chết. Đây không phải là lần đầu tiên những con chó hung hãn ở Trường Ngọc cắn người dưới sự đồng lõa bởi sự vô cảm và coi rẻ mạng người của những người quản lý ở đây. Hơn một năm trước, đàn chó này đã tấn công bà Võ Thị Cúc ở buôn Huê khi mẹ con bà vào mót cà phê rơi vãi. Bà Cúc phải khâu đến 25 mũi, đưa đi điều trị tại bệnh viện. Thậm chí khi ông tổ trưởng dân phố đến đề nghị người chủ đàn chó là ông Phạm Ngọc Thành giúp đỡ bà Cúc ít tiền thuốc men, đã bị ông Thành đuổi về và doạ suỵt chó cắn.
“Suỵt chó cắn”. Lối ứng xử tàn bạo với đồng bào nghèo. Nhưng cách xử lý không rốt ráo, triệt để nói nặng hơn là sự vô cảm của những người có trách nhiệm trước những cái ác nhỏ theo kiểu “không phải chuyện của mình” đã là mảnh đất cho cái ác lớn hơn, với hậu quả nghiêm trọng hơn có chỗ nảy mầm?
Nếu như ngay từ khi bà Võ Thị Cúc bị chó tấn công gây thương tích nặng mà quyết liệt xử lý thì khó có thể xảy ra cái chết thương tâm của bà Ngắn bây giờ?
Cách đây chưa lâu, sự việc một người phụ nữ bị bắt trói nằm giữa đường bên cạnh chiếc xe nôi của đứa con thơ cũng đã gây công phẫn trong dư luận. Trong những tấm ảnh chụp lại sự việc, ai cũng nhìn thấy đã có rất nhiều người thản nhiên đứng xem. Sự vô cảm, có thể vì sợ hãi, có thể vì tâm lý “đó không phải là chuyện của mình” đã ngăn cản họ đứng ra ngăn chặn cái ác.
Đất nước ngày càng phát triển, chẳng lẽ để tồn tại mãi thói vô cảm? Sự vô cảm lãnh đạm, khi thành thói quen, sẽ biến chúng ta thành những kẻ ác.
Theo Đào Tuấn (daidoanket.vn)