Theo Hiến pháp (cao hơn Bộ luật Hình sự) thì đúng là Điều 73 có đoạn: "...Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý…". Tuy vậy, trước đó Điều 71 Hiến pháp đã quy định rõ ràng: "...Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe…".
Vậy thì theo luật sư, dựa vào luật nào để triển khai được Điều 71 Hiến pháp nói trên? Với tôi (tuy không phải là người được học về luật) thì tôi vẫn hiểu là thực hiện việc bảo vệ tài sản (cũng như bảo vệ thân thể) cũng chỉ được phép trong giới hạn. Sau này, ngay cả không kết tội được ông Thành thì cũng cần thiết giải thích cho xã hội là do lỗ hổng của luật, chứ không thể được phép coi đó là chuyện bình thường.
Ở đây tránh chỉ lý luận suông. Tôi xin kể câu chuyện ở Berlin. Cách đây một vài năm, liên tục có người trèo rào vào dinh Tổng thống Đức. Ở Đức chức danh Tổng Thống tuy là danh nhiều hơn thực, nhưng lại được rất kính trọng, hơn cả Thủ tướng (có thể trêu trọc nói xấu Thủ tướng trên báo chí, chứ không được trêu Tổng thống.) Sau đó có nhiều đề xuất. Đề xuất về chó thì hiển nhiên là có, ngoài ra còn có đề xuất ngỗng. Tuy nhiên, tất cả các đề xuất đại loại đều bị Tổng thống Đức gạt bỏ.
Rốt cuộc là lâu đài Bellevue của Tổng thống chỉ có tường thấp bao bọc và cảnh sát thường xuyên tuần tiễu. Tất nhiên xung quanh tường có hệ thống camera dầy đặc, vì đây được coi là nơi được bảo vệ cao nhất của nước Đức. Ở đây tôi kể câu chuyện trên nhằm cho thấy là theo các chuyên gia hiểu biết về luật, nếu áp dụng luật thả hàng đàn chó ra thì an ninh của lâu đài Tổng thống sẽ được giữ gìn. Tuy vậy tôi biết là chỉ cần một con chó của lâu đài Tổng thống cắn bị thương một ai đó "trót", "liều"... trèo tường thì có lẽ dân Đức sẽ nhìn Tổng thống khác trước và chắc chắn Tổng thống không cho phép mình làm điều đó. Còn để chó cắn chết người thì tôi chắc Tổng thống sẽ từ chức ngay.
Còn ở nước ta, người dân không thể tin là những chuyện như trên xảy ra mà lại coi là bình thường được, vì đơn giản nó trái ngược lại với đạo lý chung thời đại trên thế giới và đặc biệt trái với bản chất nhà nước ta. Tôi tin là bà Ngắn sẽ không vào rẫy nếu đó là của chủ Tây thời Pháp - thời Việt Nam là thuộc địa của Pháp, vì chế độ lúc đó coi mạng người như rác. Ở đây chưa tính tới rất nhiều yếu tố khác như có thể bà Ngắn không biết chữ. Nhưng tôi tin là khi bước vào đó thì chắc chắn bà Ngắn và những người khác không tính tới mình sẽ làm "mồi" cho đàn chó to hung dữ như vậy.
Báo chí đã đăng tin rất nhiều và khá đa chiều. Tôi nhận xét là đa số bạn đọc cũng như tôi (và một số tờ báo) không chấp nhận câu chuyện trên vì tính chất dã man cao độ, không thể dung hòa với bản chất chế độ. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm là với những vụ việc đặc biệt "có thể nói liên quan đến an ninh quốc gia" thế này thì cơ quan tố tụng cao nhất là Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải tích cực ngay từ đầu, chứ đừng chờ kháng cáo của các cơ quan cấp dưới. Còn một điều nữa là Hiến pháp ghi rõ pháp luật bảo vệ, nên tự động các cơ quan pháp luật cũng xem xét để nếu có tội thì khởi tố, chứ vì sao lại có ý kiến phải chờ gia đình người bị hại kiện?
NGUYỄN HOÀNG HẢI (...hoanghai@yahoo.de)