Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình. Số báo này, chúng tôi tiếp tục đăng tải các ý kiến bàn luận xung quanh vấn đề pháp lý nêu trên.
Khác với việc nuôi chó kiểng, nuôi làm bạn, nuôi chó dữ (berger là loài chó dữ) là nhằm mục đích bảo vệ tài sản của mình. Loài chó dữ có khả năng tấn công người khác, có thể dẫn đến chết người (như trường hợp chó berger của ông Phạm Ngọc Thành cắn chết bà Phạm Thị Ngắn). Chính vì vậy, con người mới lợi dụng khả năng tấn công này để nuôi nó nhằm mục đích canh giữ, bảo vệ tài sản của mình. (Lực lượng công an, bộ đội cũng huấn luyện và sử dụng chó (dữ) để làm nghiệp vụ, tấn công và trấn áp tội phạm.) Tức là người nuôi hoàn toàn ý thức rất rõ khả năng gây nguy hiểm cho người khác khi nuôi chó dữ.
Theo tôi, phải nên coi chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ. Khi ấy, người chủ nuôi phải có biện pháp nuôi nhốt, quản lý phù hợp để không gây hại cho người khác. Biện pháp quản lý hợp lý ở đây phải được hiểu là anh nuôi nhốt nó trong chuồng trại đảm bảo an toàn chứ không phải chỉ nuôi thả trong vườn nhà mình, xung quanh có rào lưới, có hào sâu là đủ. Chỉ khi nào anh đã làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình rồi mà hậu quả vẫn xảy ra (như chó sổng chuồng cắn người) thì anh mới không phải chịu trách nhiệm hình sự (trách nhiệm bồi thường dân sự anh vẫn phải chịu).
Không thể nhân danh quyền bảo vệ tài sản để thả chó cắn người. Trong ảnh: Hình ảnh cảnh báo có chó dữ tại cổng chính vào rẫy ông Phạm Ngọc Thành. Cùng với cảnh báo này, cổng sau rẫy ông Thành ghi rõ: “Ai tự ý vào rẫy, chó berger cắn, chủ rẫy không chịu trách nhiệm”! Ảnh: TB
Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào khẳng định chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ. Bộ luật Hình sự cũng chưa quy định hành vi để chó dữ cắn chết người là có tội. Cho nên hiện chưa thể xử lý hình sự chủ trang trại được. Tuy nhiên, pháp luật xuất phát từ thực tiễn cuộc sống nên chúng ta cần phải sửa luật để điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, như đã phân tích, cần phải coi chó dữ là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ nuôi nếu để chó cắn người thì phải bị xử lý hình sự. Cắn dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người, cắn bị thương tích thì bị xử về tội tương ứng liên quan, tùy theo tính chất, mức độ. Đây là việc làm hết sức cần thiết. Bởi hiện nay có rất nhiều người nuôi chó dữ cũng với mục đích bảo vệ tài sản nhưng lại chăn thả một cách khá lỏng lẻo, hiểm họa gây thương tích và chết người rất cao.
Xin nói thêm, chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Anh có thể bắt giữ kẻ trộm để giao nộp cho cơ quan chức năng nhưng anh không thể nhân danh quyền tự bảo vệ tài sản của mình để thả chó dữ ra cắn hoặc đánh kẻ trộm cho đến chết. Dù anh có rào chắn, có biển báo nhưng đó chỉ là lời cảnh báo để người khác cẩn thận hơn mà thôi. Bởi lẽ, không phải người nào tự ý vào trang trại anh cũng với mục đích trộm cắp, ví dụ vào hỏi đường, bị nhầm nhà, thấy hỏa hoạn vào cứu… Nói cách khác, bất luận anh có đồng ý hay không đồng ý, khả năng người khác vào trang trại nhà anh là hoàn toàn có thể xảy ra. Anh không thể nhân danh chuyện bảo vệ tài sản mà nuôi thả chó dữ trong vườn nhà, trong trang trại để khi chó cắn chết người anh bảo không chịu trách nhiệm vì tôi đã cảnh báo!
Thẩm phán Lê Thành Văn, Phó Chánh án TAND tỉnh Đồng Nai
Khác gì bẫy điện. Việc gài bẫy điện nhằm bảo vệ tài sản của mình nhưng làm chết người là có tội (cố ý hoặc vô ý) thì đã rõ. Nhưng việc để chó dữ cắn chết người cũng với mục đích bảo vệ tài sản của mình mà vô can thì tôi cho là chưa hợp lý. Điều 255 và 169 BLDS cũng không hề quy định rõ “chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình” bằng... bất cứ giá nào! Trường hợp ở đây, chủ sở hữu hoàn toàn biết chắc thú dữ có khả năng tấn công người đến chết (chó berger lớn, chạy theo bầy). Nếu không có sự ngăn cản nào thì rõ ràng với bản năng hoang dã của chúng, nguy cơ chết người không khác gì bẫy điện được nêu trên. ĐỨC,thaygontoday@... Không cảnh báo là có tội. Chó berger là nguồn nguy hiểm cho xã hội, bất cứ ai vào rẫy cũng có thể bị loại chó này cắn chết chứ không riêng gì người mót cà phê hay kẻ trộm. Chẳng hạn một người đang bị rượt đánh phải chạy vào rẫy để nấp (vì rẫy có lối vào, không có cảnh báo gì). Như vậy, nếu nuôi chó berger mà không có bảng cảnh báo, không rào kín vườn dẫn đến hậu quả chó cắn chết người thì đâu khác gì trường hợp chủ nhà giăng bẫy điện chống trộm gà mà vô tình gây chết người, tức là chủ tài sản có tội do lỗi vô ý (vì quá tự tin) làm chết người. NGUYỄN HOÀNG ANH, 40/19 Ấp Bắc, quận Tân Bình, TP.HCM Chó là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo quan điểm của tôi, chó berger là nguồn nguy hiểm cao độ chứ không phải “nên coi đó là nguồn nguy hiểm cao độ”. Bởi rõ ràng chúng có khả năng tấn công, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người. Cái máy cưa bình thường không sao nhưng khi hoạt động thì nó là cực kỳ nguy hiểm và người ta coi nó là nguồn nguy hiểm cao độ kia mà. Luật sư PHẠM HỮU TÌNH, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương Luật không liệt kê nhưng từ điển đã định nghĩa. Đúng là hiện chưa có văn bản pháp luật nào liệt kê chó berger là thú dữ, từ đó xác định nó là nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự. Nhưng theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam - Bộ Giáo dục và Đào tạo (NXB Văn hóa-Thông tin) thì: Thú dữ là loài thú lớn, dữ tính, có thể làm hại con người. Về mặt sinh học, chó berger thuộc lớp thú, hơn nữa lại là loài thú lớn, rất hung dữ. Vì vậy, chó berger đương nhiên là thú dữ, tức đó là nguồn nguy hiểm cao độ. Luật gia VĨNH YÊN |
THÁI BÌNH (ghi)