Vụ chó berger cắn chết người: Quản lý trang trại phạm tội giết người?

Như chúng tôi đã thông tin, ngày 21-1, bà Phạm Thị Ngắn cùng hai người phụ nữ ở buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk vào rẫy cà phê của ông Phạm Ngọc Thành thì bị bầy chó berger ở đây cắn chết.

Bị chó cắn chết

Theo hai người phụ nữ chứng kiến, nhóm của các chị đang mót cà phê thì một con chó berger xông ra. Sau khi hô hoán, hai chị kịp trèo lên cây tránh chó dữ. Riêng bà Ngắn trèo lên cây cà phê quá thấp, bị con chó nhảy lên kéo rơi xuống đất và tiếp tục vồ lên người bà Ngắn để cắn xé.

Nghe tiêng kêu cứu của các chị, quản lý của trang trại Nguyễn Đình Sơn đi xe máy đến xem sự việc. Dù bà Ngắn đã van xin nhưng ông Sơn lại bỏ đi. Khoảng năm phút sau khi ông Sơn bỏ đi, một bầy chó berger của trang trại xông ra cắn xé, kéo lê thi thể bà Ngắn. Sau khi chó tấn công nát người phụ nữ xấu số, ông Sơn quay lại, huýt gió gọi đàn chó quay về và nói: “Ai nhủ (bảo) vô đây mót chi”, rồi gọi điện thoại di động cho một người nào đó báo là “chó đã cắn chết người” và bỏ đi. Tại hiện trường, thi thể của bà Ngắn bị chó cắn tơi tả, mất nhiều phần cơ thể.

Theo vợ chồng ông MTC, có nhà sát rẫy ông Thành, một ngày sau cái chết của bà Ngắn, ông thấy người trong trang trại dựng tấm biển báo: “Rẫy ông Thành 507. Ai tự ý vào rẫy chó bécgiê cắn, chủ rẫy không chịu trách nhiệm”.

Vụ chó berger cắn chết người: Quản lý trang trại phạm tội giết người? ảnh 1

Sau khi bà Ngắn bị chó cắn chết, trang trại dựng lên tấm bảng này. Ảnh: NVD

Người quản lý chó phạm tội giết người

Thạc sĩ Trần Quang Trung, giảng viên Đại học Luật TP.HCM phân tích: Ông Sơn là người quản lý bầy chó, phải nhận thức rõ chó berger là giống chó nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại cho người khác. Khi thấy chó cắn người, ông Sơn bỏ đi là có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra. Đây là lỗi cố ý gián tiếp, thuộc dạng hành vi không hành động vì ông Sơn hoàn toàn có khả năng ngăn chặn hậu quả xảy ra như đưa người ra khỏi nơi nguy hiểm, ra lệnh cho chó ngưng tấn công bà Ngắn… nhưng ông không làm là đã đủ dấu hiệu của tội không cứu giúp người đang trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102 BLHS).

Đồng tình với ý kiến trên, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao Võ Văn Thêm cho rằng: Trước hết, phải xác định berger là giống chó nguy hiểm vì có khả năng tấn công làm chết người. Khi chứng kiến nạn nhân bị tấn công, ông Sơn không hành động nên mới có hậu quả chết người và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Mở rộng vấn đề, ông Thêm cho rằng sau khi con chó đầu tiên cắn bà Ngắn, nếu ông Sơn vào nhà thả tiếp bầy chó ra tấn công bà Ngắn thì ông Sơn đã phạm tội giết người chứ không phải tội không cứu giúp người đang trong tình trạng bị nguy hiểm đến tính mạng. Bởi lẽ lúc này ông Sơn đã sử dụng bầy chó làm công cụ, phương tiện nguy hiểm để giết người.

Trước mắt, vụ chó tấn công làm chết người là đặc biệt nghiêm trọng, đã có đủ dấu hiệu của tội phạm hình sự nên việc đầu tiên là cơ quan chức năng phải khởi tố ngay vụ án để điều tra. Sau khi khởi tố vụ án, công an làm rõ các chi tiết liên quan mới xác định chính xác tội danh của quản lý trang trại là giết người hay không cứu giúp…

Chủ trang trại: Phải bồi thường

Theo Thạc sĩ Trần Quang Trung, dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng phải xem chó berger là nguồn nguy hiểm cao độ. Vì thế, khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, chủ sở hữu phải bồi thường. Nếu không xem chó berger là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ trang trại Phạm Ngọc Thành vẫn phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Ông Thêm thì khẳng định đây là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho gia đình nạn nhân. Riêng trách nhiệm hình sự, nếu tại thời điểm bầy chó cắn chết bà Ngắn không có ông Thành ở trang trại, ông không trực tiếp ra lệnh cho quản lý thả chó cắn người cũng như không trực tiếp thả chó… ông không sẽ không chịu trách nhiệm hình sự trong vụ này mà chỉ chịu trách nhiệm dân sự mà thôi.

Tuy nhiên theo ông Thêm, vẫn phải khởi tố vụ án mới làm rõ các tình tiết, ngóc ngách liên quan này.

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

(Điều 102 Bộ luật Hình sự)

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm