Vụ chó cắn chết người: Không thể bỏ qua thông tin quan trọng

Vụ chó cắn chết người: Không thể bỏ qua thông tin quan trọng ảnh 1

Theo chị Vũ Thị Huê, hai tấm bảng ghi “Rẫy ông Thành 507, ai tự ý vào rẫy chó bẹcgiê cắn chủ rẫy không chịu trách nhiệm” và “Chó dữ, vào rẫy phải có người dẫn” được dựng lên ngay ngày gia đình và dân làng đi chôn bà Ngắn - Ảnh: TRUNG TÂN

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI:

Qua thông báo của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột nổi lên hai vấn đề sau:

Công an Đắk Lắk làm rõ một số chi tiết mà báo chí nêu

Đại tá Nguyễn Công Chức, trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết sáng 26-2, ban giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo Công an TP Buôn Ma Thuột cùng các điều tra viên trong vụ đàn chó của ông Phạm Ngọc Thành và bà Nguyễn Thị Hòe cắn chết bà Phạm Thị Ngắn vào ngày 21-1. Buổi làm việc nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua.

Theo ông Chức, Công an TP Buôn Ma Thuột sẽ trả lời bằng văn bản cho cơ quan báo chí vào ngày thứ hai (1-3) về những gì mà báo chí nêu, sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột có kết luận không khởi tố hình sự vụ án.

Đ.ĐỐI - TR.TÂN

Một là thu thập và đánh giá chứng cứ. Toàn bộ nội dung thông báo cho thấy dường như cơ quan điều tra chỉ dựa vào các chứng cứ nhằm chứng minh sự vô can của gia đình chủ chó bẹcgiê cũng như những người làm công và hậu quả dẫn đến chết người là do lỗi của nạn nhân.

Trong khi đó, có rất nhiều lời khai của các nhân chứng khác lại có nội dung hoàn toàn ngược lại. Ví dụ, thông tin của chị Vũ Thị Huê (trú tại buôn H’Drát), người ở nhà đối diện với cổng sau rẫy của gia đình ông Phạm Ngọc Thành - bà Nguyễn Thị Hòe, cũng là người cùng với hai con gái có đi mót cà phê vào chiều hôm xảy ra án mạng, cho biết: “Trước đó, cổng sau rẫy chỉ có rào một làn lưới B40, làn lưới thường không đóng nên chúng tôi mới vào mót cà phê được. Trước ngày xảy ra vụ việc không có hai bảng ghi “Rẫy ông Thành 507, ai tự ý vào rẫy chó bẹcgiê cắn chủ rẫy không chịu trách nhiệm” và “Chó dữ, vào rẫy phải có người dẫn”. Hai bảng này được dựng lên ngay ngày đi chôn bà Ngắn” (Tuổi Trẻ 26-2).

Hay hai nhân chứng khác là chị Giang Thị Bích Điệp và chị Nguyễn Thị Thanh Trâm (trú tại buôn H’Drát), cùng đi mót cà phê vào ngày xảy ra án mạng, đều khẳng định: “Anh Nguyễn Đình Sơn - người làm thuê và quản lý đàn chó - đứng ở gốc dừa cách đó không xa và họ đã gọi rất to. Một lúc sau, anh Sơn đi lại thì họ gào thét to hơn để anh Sơn cứu bà Ngắn, đồng thời bà Ngắn cũng van xin anh Sơn nhưng anh Sơn bảo: “Ai nhủ vào mót cà phê cho chó cắn chết” rồi bỏ đi”.

Đây là những thông tin cực kỳ quan trọng và không thể bị bỏ qua. Bởi theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra “phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội...” (điều 10). “Điều tra viên... xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án”.

Hai là về nội dung vụ việc.Theo thông báo, cơ quan điều tra căn cứ vào khoản 1, điều 107, Bộ luật tố tụng hình sự, tức “không có sự việc phạm tội” để không khởi tố vụ án. Có hai yếu tố chủ yếu gồm: một là nạn nhân có lỗi (bà Ngắn tự ý vào mót cà phê dù đã được cảnh báo trước) và hai là không có việc cố ý thả chó cắn chết người và thấy chó cắn mà không cứu giúp. Như đã nêu ở trên, mặc dù nhiều nhân chứng cho biết sự việc diễn ra không phải như vậy nhưng ngay cả dựa vào hai yếu tố này để khẳng định không có sự việc phạm tội thì cũng chưa thuyết phục.

Theo cơ quan điều tra, gia đình bà Nguyễn Thị Hòe, ông Phạm Ngọc Thành nuôi một đàn chó bẹcgiê và lai bẹcgiê, trong đó có bốn con nuôi nhốt trong chuồng và sáu con được chăn thả ở ngoài. Xung quanh rẫy có rào xây, có đào hào và lưới B40 bảo vệ. Ở cổng chính ra vào có biển cảnh báo chó dữ. Như vậy, chủ vật nuôi ý thức được rất rõ về sự nguy hiểm của các con chó mình nuôi.

Chó trong trường hợp này chính là “thú dữ”, là nguồn nguy hiểm cao độ, vì vậy chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định về sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Điểm C, khoản 1, điều 4, thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 quy định: “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó: phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người”. Biết chó dữ, có thể cắn chết người mà chỉ có biển báo, người ngoài vẫn vào ra dễ dàng thì chưa thể nói là người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đã làm hết trách nhiệm của mình, không thể nói là vô can trong việc để xảy ra hậu quả làm tước đi mạng sống của một người. Trong trường hợp này rất có thể có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người với lỗi cố ý gián tiếp? Tức là người có hành vi phạm tội thấy rõ hành vi của mình có khả năng làm chết người, mặc dù không mong muốn cho hậu quả đó xảy ra nhưng vẫn thực hiện để mặc cho hậu quả xảy ra.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM):

Cần xem xét thận trọng hoặc cho điều tra lại

Kết luận của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột cho rằng: “Khi xảy ra sự việc chó cắn chết bà Phạm Thị Ngắn không có mặt anh Nguyễn Đình Sơn hoặc ai khác trong gia đình bà Hòe ở đó thấy chó cắn mà không cứu giúp”.

Tuy nhiên, theo báo chí đăng tải, hiện nay các nhân chứng đi cùng bà Ngắn trước sau vẫn khẳng định thấy anh Nguyễn Đình Sơn (người làm công cho chủ rẫy là ông Thành - bà Hòe) đã có mặt chứng kiến sự việc bà Ngắn bị chó cắn và bỏ mặc không ngăn cản, cứu giúp bà Ngắn.

Pháp luật tố tụng hình sự nước ta có quy định rõ: cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Một trong những nguồn thu thập chứng cứ được pháp luật tố tụng thừa nhận và quan trọng để làm sáng tỏ sự thật của vụ án chính là lấy lời khai của người làm chứng.

Trước sự mâu thuẫn giữa lời khai của các nhân chứng và quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi nhận thấy với trách nhiệm là những cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân cần xem xét một cách thận trọng hoặc có thể cho điều tra lại để giải thích thỏa đáng và thuyết phục cho dư luận rõ hơn về sự mâu thuẫn trong lời khai của các nhân chứng và quyết định kết thúc điều tra. Vì có thể nói đây là một sự việc đau lòng cần phải làm sáng tỏ và xử lý thích đáng nếu có hành vi phạm tội, cũng như cần được tuyên truyền rộng rãi như một lời cảnh báo để không còn những sự việc tương tự xảy ra.

Theo TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm