Gần đây ở các địa phương có mấy vụ “tai nạn” thương tâm dẫn đến chết người. Kẻ xấu số thường là người nghèo chỉ vì miếng ăn mà đành phải bỏ mạng, có người bị điện giật chết, có người bị chó cắn chết... Về mặt dân sự thì hầu hết gia đình các nạn nhân đều được chủ nhà hỗ trợ, bồi thường một số tiền; song về mặt hình sự (người gây ra sự cố bị truy tố ra tòa xử tội) thì có trường hợp bị, trường hợp không.
Mỗi vụ đều có tình tiết khác nhau
Đơn cử như một vụ ở miền Tây, có nhà cứ bị kẻ lạ lẻn đến bắt trộm gà nuôi trong chuồng. Để đối phó, chủ nhà nghĩ ra cách gài điện ở cửa chuồng gà. Sáng dậy có người bị điện giật chết nằm cạnh chuồng gà. Công an địa phương khởi tố hình sự và tòa án đã xử chủ nhà tội vô ý làm chết người với mức án ba năm tù... Mới đây vừa xảy ra vụ việc thương tâm ở Tây Nguyên: Vài bà con nghèo vào trang trại cà phê “mót trái rơi vãi”, một người bị chó berger của chủ trại cắn chết. Nhìn chung thì tình tiết sự việc cũng tương tự, riêng ở đây là “đi mót của rơi” chứ không phải ăn trộm. Cơ quan điều tra không khởi tố người chủ, người trông coi vì cho rằng “chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Mấy việc như vậy đã gây thắc mắc trong dư luận xã hội, thể hiện sự bất bình khá sôi nổi trên diễn đàn công luận báo chí. Nhưng nếu bình tĩnh cân nhắc theo pháp luật thì phải vậy đó. Tùy trường hợp mà xử lý khác nhau. Về bản chất, thường án mạng xảy ra không có vụ nào giống vụ nào, có khi có tội, có khi không có tội.
Bảng cảnh báo treo trước rẫy ông Thành. Ảnh: T.BÌNH
Gài bẫy điện làm chết người thì… có tội!
Trở lại vụ người chủ chuồng gà gài điện để bảo vệ tài sản là gà của mình. Ông ta chủ quan nghĩ rằng kẻ trộm gà là người thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức thì phải… “đền tội”. Nhưng pháp luật không hề quy định người ăn trộm gà có thể bị… tước đoạt mạng sống. Vả lại, gài điện như vậy là một hành vi nguy hiểm cho xã hội nói chung, bất cứ ai đến đó vướng vào điện đều có thể chết chứ không riêng kẻ trộm. Vì vậy, nếu người chủ tài sản gài bẫy điện, biết người khác vướng điện là chết nhưng y vẫn làm rồi để mặc cho hậu quả xảy ra thì người gài điện để giữ gà ấy phải bị tội giết người; hoặc nếu người chủ tài sản nghĩ rằng làm vậy chỉ nhằm dọa cho mọi người khác sợ, không dám bén mảng đến chuồng gà của y nhưng hậu quả thực tế là đã có người đến đó và bị điện giật chết thì người chủ chuồng gà gài điện ấy cũng phải bị tội vô ý làm chết người.
Nói chung, trường hợp này thì chủ tài sản cũng có tội: do lỗi cố ý (gián tiếp) giết người; hoặc do lỗi vô ý (vì quá tự tin) đã làm chết người. Cơ quan điều tra tiến hành thủ tục khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự người chủ tài sản (chuồng gà). Trường hợp mấy chủ ao cá dẫn điện vào hàng rào xung quanh ao để chống hành vi bắt trộm cá làm cho người khác bị điện giật chết cũng thuộc loại này.
Nuôi chó bảo vệ cắn chết người xâm phạm tài sản… không có tội!
Theo pháp luật, chủ tài sản có quyền đối với tài sản của mình, chủ tài sản có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình (Điều 255 Bộ luật Dân sự - BLDS). Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình (Điều 169 BLDS).
Như trường hợp các chủ sở hữu trang trại (trồng cà phê, trồng cao su hoặc trồng trọt, khai thác sản vật khác) có quyền thực hiện biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật như làm rào bảo vệ, lập đội bảo vệ, nuôi chó bảo vệ, nuôi ngỗng báo động…, đồng thời đặt biển báo cần thiết để mọi người cảnh giác tôn trọng. Nếu chủ tài sản đã làm hết nghĩa vụ của mình mà hiện tượng xấu vẫn xảy ra như có người khác tự ý xâm nhập vào trang trại, phá cắp tài sản của trang trại, hậu quả là người lạ bị chó cắn chết… thì người chủ trang trại không phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu chủ trang trại nuôi thú dữ không quản lý chặt chẽ để thú thoát ra khỏi vòng rào cắn người thì chủ trang trại lại phải chịu trách nhiệm về hậu quả do thú của mình gây ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm thích hợp do Bộ luật Hình sự quy định. Nói một cách dễ hiểu, trang trại có rào chắn giới hạn, có nuôi chó bảo vệ, ai tự ý ra vào không có sự cho phép, hướng dẫn của trang trại, lỡ bị chó vồ, chó cắn thì dù hậu quả đến mức nào nạn nhân cũng phải lãnh đủ thôi. Vì khi đó về mặt pháp lý chủ trang trại đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ tài sản, còn lỗi thì hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
Đối với người thấy mà không cứu giúp…
Trong mấy vụ này, bên cạnh chủ tài sản và nạn nhân thường có thêm nhân vật khác là người thấy mà không cứu giúp để nạn nhân chết (thí dụ: thấy nạn nhân vướng vào bẫy điện, có khả năng cứu mà không cứu; thấy nạn nhân đang bị chó bảo vệ uy hiếp, có thể cứu mà không cứu…). Bộ luật Hình sự hiện hành của nhà nước ta quy định một tội phạm ở Điều 102: tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Pháp luật quy định một yếu tố quan trọng để cấu thành tội này là “tuy có điều kiện mà không cứu giúp”. Thường yếu tố này mang tính khách quan thực tế (như nghĩa vụ phải cứu người sắp chết đuối chỉ đòi hỏi đối với người gần đó có đủ sức khỏe và biết bơi; nghĩa vụ cứu người đang bị thú dữ vồ chỉ áp dụng đối với người đang ở gần đó và có khả năng chống trả, khắc phục chúng…).
Yếu tố này hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả thu thập chứng cứ và đánh giá chứng cứ của cơ quan điều tra. Chúng tôi không có điều kiện nắm bắt đầy đủ nên không lạm bàn.
LS-TS PHAN ĐĂNG THANH