Vợ chồng ly hôn, chủ nợ níu áo ai?

Bà LTG, ngụ phường Linh Xuân, Thủ Đức, TP.HCM, đang gặp vướng mắc trong việc đòi món nợ với một cặp vợ chồng vừa mới ly hôn.

Xin làm người liên quan không được

Trước đó, tháng 1-2013, TAND quận Thủ Đức ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự trong vụ tranh chấp hợp đồng vay mà bà G. là nguyên đơn. Theo đó, vợ chồng bà NTY và ông PVH (phường Linh Tây) phải trả cho bà 200 triệu đồng, chia làm hai đợt, mỗi tháng 100 triệu đồng. Khi quyết định trên có hiệu lực, bà G. nộp đơn yêu cầu được thi hành án (THA). Tháng 2-2013, Chi cục THA dân sự quận Thủ Đức ra quyết định thi hành nhưng vợ chồng bà Y., ông H. chỉ mới trả cho bà 57 triệu đồng rồi thôi. Số còn lại 143 triệu đồng cùng lãi chậm trả đến nay vợ chồng này vẫn chưa thanh toán.

Bà G. kể tiếp: “Khi nợ tôi chưa trả xong thì tháng 10-2013, bà Y. nộp đơn ra TAND quận Thủ Đức xin ly hôn. Biết chuyện nên ngay tháng sau, tôi nộp đơn đến tòa yêu cầu được tham gia vụ án ly hôn này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mục đích tôi muốn tòa ghi nhận khoản nợ còn lại chưa THA của hai vợ chồng vào việc giải quyết ly hôn”.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3-2014, tòa có thông báo yêu cầu của bà G. không được chấp nhận. Theo đó, thẩm phán thụ lý vụ ly hôn cho rằng “khoản nợ đã được giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật và đang được cơ quan THA thi hành. Nội dung mà bà G. yêu cầu xem như là việc khởi kiện lại một vụ việc đã giải quyết xong”.

Không đồng tình, bà G. tiếp tục khiếu nại lên chánh án tòa này. Theo bà, trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, tòa án đã hai lần mời bà đến làm việc với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cả hai lần bà đều viết bản tự khai tại tòa với tư cách này, nay tòa án không chấp nhận việc bà tham gia vụ án là không thỏa đáng.

Bà G. nói: “Tại cơ quan THA, ông H. và bà Y. đã trình bày là không có tài sản nào để THA. Nhưng họ vẫn còn nợ tôi một món nợ chung. Bà Y. khởi kiện yêu cầu ly hôn, đơn khởi kiện không nói đến khoản tiền chưa THA. Vì vậy tôi mới xin được tham gia vụ án từ giai đoạn này với hai lý do. Một là đảm bảo trả nợ chung, nếu ông H. và bà Y. có yêu cầu bổ sung phân chia tài sản chung. Hai là khi vợ chồng này cố ý tách việc phân chia tài sản chung thành một vụ kiện khác thì cơ quan tố tụng không bị bỏ sót khoản nợ THA này. Hai buổi làm việc tại tòa tôi đã viết hai bản tự khai ghi rõ rằng tôi không yêu cầu tòa giải quyết khoản nợ này, chỉ yêu cầu quý tòa viết vào bản án”.

Cũng theo bà, việc tòa án nhận định “nội dung mà bà G. yêu cầu xem như là việc khởi kiện lại một vụ việc đã được giải quyết xong” là không chính xác, vì không có cơ sở pháp lý nào để tòa nói “xem như” bà khởi kiện lại trong trường hợp này.

Tòa dưới bảo không, tòa trên nói được

Cuối tháng 3-2014, chánh án TAND quận Thủ Đức bác đơn khiếu nại của bà G. Theo tòa, khoản 4 Điều 56 BLTTDS quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Việc giải quyết nợ của bà G. và vợ chồng bà Y., ông H. đã xong và vợ chồng này cũng không có yêu cầu tòa chia tài sản chung trong vụ án ly hôn của bà.

Bà G. tiếp tục khiếu nại lên TAND TP.HCM. Bởi theo quyết định giải quyết khiếu nại này thì bà chưa được giải thích rõ về quyền được THA. Mặt khác, tòa cũng không xem xét việc nguyên đơn không trình bày đầy đủ về tình trạng nợ chung. Việc này dẫn đến xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Từ đó bà yêu cầu xem xét, hướng dẫn thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình (quyền được THA) và xem xét việc trốn tránh trách nhiệm trả nợ của ông H. và bà Y. Cụ thể, bà yêu cầu tòa quận rút lại thông báo trước đó và chấp nhận cho bà tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Và lần này, TAND TP.HCM đã chấp nhận việc khiếu nại của bà G. Theo đó, tòa phân tích khi khởi kiện xin ly hôn với chồng, bà Y. xác định không có nợ chung nên việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi của bà G. Do đó việc bà G. muốn tham gia vụ án với tư cách tố tụng như đã yêu cầu trong vụ án ly hôn này là có căn cứ và phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 56 BLTTDS mà tòa quận từng dẫn ra để bác yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm