Đó là câu chuyện buồn của gia đình chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, trú Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội), một trong hai gia đình bị BV đa khoa huyện Ba Vì trao nhầm con, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh.
Chị Vũ Thị Hương cùng cháu Đoàn Nhật M.
Chồng nghi ngờ vì con không giống mình
Tiếp PV trong căn nhà nhỏ, anh Vũ Tiến Phương (38 tuổi, anh trai chị Hương) kể về tấm “bi kịch” mà em gái mình phải hứng chịu do sự cố trao nhầm con sáu năm trước.
“Tội lắm, vợ chồng nó lục đục rồi ly hôn, một tay nuôi hai đứa. Đứa nhỏ thì gửi cho tôi, đứa lớn (cháu Đoàn Nhật M.) thì cắp nách lên Hà Nội để làm thuê. Gia đình ly tan cũng chỉ vì điều không ai ngờ tới này” - anh Phương mở đầu câu chuyện.
Theo lời kể của anh, năm 2012, vợ chồng chị đón đứa con trai đầu lòng là cháu M. trong niềm hạnh phúc và vui sướng tột độ. Anh lái xe, còn chị mở một trường mầm non tư thục, cuộc sống của ba “ngọn nến lung linh” cứ vậy mà trôi đi trong êm đềm.
Thế rồi biến cố ập đến khi chị sinh cháu thứ hai vào năm 2014. Đứa em càng lớn thì càng giống cha, ngược lại đứa anh dù tìm mỏi mắt cũng chẳng có điểm chung nào. Sự trớ trêu này khiến chồng chị Hương bắt đầu nảy sinh nghi ngờ.
Ban đầu chỉ là những suy nghĩ hay câu hỏi vu vơ nhưng lâu dần trở thành những sự truy vấn, cãi vã, thậm chí là bạo lực. Đã không ít lần anh tìm đến tận nơi chị dạy học để đập phá đồ đạc, buông những lời cay đắng.
Chuyện gì đến cũng đến, mâu thuẫn vợ chồng tới đỉnh điểm, cộng thêm những “lời ra tiếng vào” từ làng xóm, hai anh chị quyết định ly hôn. Một mình chị tất tả nuôi hai đứa con.
Do cuộc sống quá khó khăn, chị phải gửi cháu thứ hai cho anh trai chăm sóc giùm rồi dắt theo cháu M. xuống Hà Nội thuê trọ, bươn chải cuộc sống. Đồng lương ít ỏi từ công việc làm thuê là nguồn thu duy nhất giúp ba mẹ con trang trải hằng ngày.
Đầu năm 2018, anh Phùng Giang Sơn bất ngờ tìm đến chị, nói rằng hai gia đình bị trao nhầm con. Vẫn chẳng tin cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN, chị như chết lặng khi biết rằng điều mình không mong muốn đã đến.
Đứa con trai mà chị tần tảo nuôi sáu năm nay không phải con mình ư? Bao nhiêu tủi hổ, uất nghẹn bấy lâu nay chị phải chịu đựng, gia đình tan vỡ là vì điều này? Chị vô cùng sốc bởi chưa bao giờ chị nghĩ viễn cảnh đó lại xảy ra.
"Kể từ đó đến nay, vì lo công việc rồi suy nghĩ nhiều, Hương gầy xọp đi gần 10 kg. Ai cũng xót xa, bởi đặt vào vị trí của nó thì không dễ gì có thể chấp nhận cú sốc này..." - anh Phương bùi ngùi.
Người đàn ông này cũng cho hay từ khi biết chuyện, hai bên gia đình đã từng ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung, các cháu cũng được qua lại để làm quen, thế nhưng còn một số khúc mắc chưa giải quyết được nên việc trao đổi các cháu vẫn chưa thể tiến hành.
BV đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự cố trao nhầm con.
Mong nhận lại con từng ngày
Chẳng riêng gì chị Hương, bi kịch từ sự cố trao nhầm con cũng ập đến với gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú Tây Đằng, Ba Vì). Là người phát hiện ra sự cố này, thế nhưng dù đã tìm mọi cách, gia đình anh vẫn chưa thể nhận lại con của mình.
"Tôi thực sự không muốn làm phức tạp chuyện này vì sợ ảnh hưởng đến bọn trẻ, nhưng gần nửa năm rồi vẫn chưa được nhận con về nên gia đình vô cùng bức xúc" - anh Sơn nói về việc vừa gửi đơn đề nghị Bộ Y tế vào cuộc.
Mong ngóng cháu mình từng ngày, ông Phùng Văn Phượng (60 tuổi, cha anh Sơn) cho biết kể từ khi phát hiện hai đứa trẻ bị trao nhầm, cả gia đình ông chìm trong sự bứt rứt, sốt ruột.
“Kể cả khi trao đổi rồi thì chúng tôi vẫn coi cả hai đứa là con cháu trong nhà bởi đã nuôi nấng sáu năm nay. Nhưng dù sao chuyện gì phải ra chuyện đó, chúng tôi rất muốn được nhận cháu mình về để chăm sóc" - ông Phượng nói.
Tuy nhiên, từ tháng 3-2018 đến nay, gia đình đã đi lại rất nhiều lần, hoàn thiện rất nhiều thủ tục nhưng vẫn chưa thể nhận cháu về. Hơn nữa, thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, mong ước này càng cháy bỏng hơn để gia đình ổn định tâm lý cho cháu yên tâm học hành.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV đa khoa huyện Ba Vì, cho hay đơn vị đang tích cực phối hợp với hai bên gia đình để giải quyết hậu quả của sự cố nói trên.
Đến nay, việc trao đổi lại hai cháu còn gặp một số vướng mắc, trong đó có việc chị Hương nói rằng gia đình chưa sẵn sàng về mặt tâm lý. Bởi suốt sáu năm nuôi nấng, yêu thương, nay bỗng dưng biết sự thật là bị trao nhầm con, không một bà mẹ nào có thể đủ cứng rắn để ngay lập tức chấp nhận điều này.
Về phía gia đình anh Sơn, anh đã có đơn gửi TAND huyện Ba Vì vào cuộc giải quyết vụ việc, sau nhiều lần trao đổi giữa hai bên nhưng vẫn chưa thành.
Cũng theo ông Vinh, qua xác minh, BV đa khoa huyện Ba Vì xác định có sự nhầm lẫn do sơ suất trong quá trình trao trẻ sơ sinh cho gia đình sản phụ. Tuy nhiên, đây là nhầm lẫn vô ý, không phải cố ý.
Sau khi xác định sự việc, bệnh viện đã tiến hành họp và xác định trách nhiệm thuộc về hai nữ hộ sinh trong ca trực ngày 1-11-2012. Hiện tại, hai nữ hộ sinh này đã bị tạm dừng công tác chuyên môn là đỡ đẻ và tắm cho bé, điều chuyển sang làm các công việc hành chính, đến khi có kết luận của cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định.
Ngoài ra, phía bệnh viện cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng hai gia đình để giải quyết vụ việc, đồng thời chịu toàn bộ chi phí xét nghiệm.
Người trong cuộc nói gì? Y sĩ Vũ Thị Thanh Mai (một trong hai nữ hộ sinh đỡ đẻ ngày 1-11-2012) thừa nhận mình là người có trách nhiệm trong vụ việc trên và vẫn sẵn sàng hợp tác với hai gia đình. “Thực sự không thể nhớ và cũng không nghĩ có sự việc như vậy xảy ra, bởi lâu rồi. Chúng tôi đỡ đẻ thì một người phục vụ bên mẹ, một người phục vụ bên con. Đẻ xong, làm xong các thủ tục thì chúng tôi bàn giao lại và để người nhà vào bên trong” - bà Mai nói. Y sĩ này cho hay đã đến gặp gia đình hai cháu và "được mọi người chào đón tôi rất nhiệt tình, thậm chí còn trấn an tinh thần thay vì trách móc". Tuy nhiên, đến lúc này, vụ việc chỉ biết nhờ đến cơ quan pháp luật. Bản thân bà cũng rất lo lắng, suy nghĩ, mất ăn mất ngủ. |