Đợt này công ty ít việc nên tôi được nghỉ Tết hơn 2 tuần. Vì rảnh rỗi nên tôi đi nhậu hơi nhiều. Mấy ngày đầu, khi đi nhậu về vợ tôi không nói gì nhưng sau đó cô ấy bắt đầu nói nặng lời, rồi chì chiết tôi. Tôi cảm thấy bất mãn quá. Luật sư cho tôi hỏi pháp luật có quy định vợ chửi chồng thì bị phạt hay không, để tôi nói chuyện phải trái với vợ?
Bạn đọc Đỗ Minh Nhật (TP Thủ Đức)
Luật sư LÊ VĂN PHIẾN, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm được xem là hành vi bạo lực gia đình quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Bên cạnh đó người bị bạo lực gia đình có các quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của pháp luật; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Do đó, bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ mình trước hành vi bạo lực gia đình theo các quy định đã nêu ở trên. Tùy vào hành vi bạo lực gia đình diễn ra ở đâu, gây hậu quả ra sao,… cơ quan có thẩm quyền sẽ có biện pháp xử lý theo quy định.