Vợ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ khóc khi nhớ lại hình ảnh chồng

Trong tập 1 của Người kể chuyện tình phát sóng tối 11-6, những tình khúc của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sẽ được dàn dựng thành những tiết mục sinh động, kể về những câu chuyện có thật trong đời của ông.

Kể từ 11 năm sau ngày mất của Phạm Thể Mỹ, ca sĩ Diệu Lý xuất hiện trong chương trình Người kể chuyện tình và bật khóc khi nhìn lại các hình ảnh cùng những sáng tác nổi tiếng của chồng do sáu thí sinh thể hiện.

Bà thổ lộ, bản thân muốn khóc nức nở nhưng phải kiềm lại vì hạnh phúc.

Diệu Lý xúc động chia sẻ về những sáng tác của chồng mình. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG 

Vợ Phạm Thế Mỹ thổ lộ nhiều năm qua bà ngại phải chứng kiến hay nghe lại những bài hát cũ của chồng: “Tôi không ngờ bản thân mình lại xúc động nhiều đến vậy. Những bài hát cũ được thể hiện bởi một dàn ca sĩ trẻ, kịch bản sát với cuộc đời của chồng tôi được chương trình đầu tư kỹ lưỡng và đầy nghệ thuật.

Tôi chưa bao giờ xem một chương trình âm nhạc hoành tráng, dàn dựng các bài hát thành câu chuyện ý nghĩa, sang trọng như Người kể chuyện tình. Ngồi xem chương trình, tôi nhớ ông ấy.

Phạm Thế Mỹ là một người hiền lành, nhân hậu nhưng nóng tính, nhạy cảm. Với ông, làm nghệ thuật chân chính trước hết trong đầu không bao giờ có hai chữ danh và lợi”.

Diệu Lý xúc động nói rằng: “Ngày Phạm Thế Mỹ mất, tôi cảm thấy nhẹ nhàng bởi không muốn tiếp tục thấy ông đau đớn, khổ sở trên gường bệnh. Nhưng hai tháng sau tôi nhớ ông không chịu nổi. Đó là lý do tôi ngồi bên cây đàn của ông và  viết 10 bài hát dành cho ông và tôi không hát cho bất cứ ai nghe.

Tình cảm đó giấu kín suốt 11 năm qua, nhưng hôm nay trong chương trình, kỷ niệm tràn về, khiến tôi muốn rơi nước mắt”.

Trailer Người Kể Chuyện Tình 2020. Nguồn: YOUTUBE

Trong chương trình, bà Diệu Lý cũng kể lại cơ duyên gặp gỡ người nhạc sĩ tài hoa cũng nhờ bài hát Bông hồng cài áo: “Một ký ức không thể nào quên khi tôi tham gia đội văn nghệ nữ sinh của Viện Đại học Vạn Hạnh. Phạm Thế Mỹ khi ấy là trưởng phòng, ông ấy bảo thử hát cho ông ấy nghe một ca khúc và tôi đã hát Bông hồng cài áo.

Sau đó, tôi mới biết tác giả chính là ông ấy. Anh cũng là người thầy giáo hết lòng với học trò nhưng ăn mặc rất giản dị, thường xuyên mặc một chiếc áo sơ mi rách cả nách”.

Bảo Đăng. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

Sự hâm mộ tài năng cộng với niềm cảm thương dành cho vị nhạc sĩ lớn hơn mình 20 tuổi, một thời gian sau, ca sĩ Diệu Lý về sống chung nhà cùng ông. Khi đó, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng đang sống với người mẹ của mình.

Bà Diệu Lý cho rằng được sống cùng với mẹ chồng những năm tháng cuối đời là một niềm may mắn.

Giám khảo Thái Châu. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

Bà nghẹn ngào kể: "Khi bà còn sống, tôi may tặng bà một chiếc áo bà ba lụa, loại lụa đẹp nhất Sài Gòn hồi đó. Hồi đó không có máy may, tôi phải may bằng tay.

Tôi nghĩ tôi là người may mắn thứ hai, sau nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, bởi vì ông cho rằng ông là người may mắn thứ nhất vì ông đã viết được bài hát tặng người mẹ đang còn sống của mình.

Mẹ được hưởng hạnh phúc đó trong lúc mẹ còn sống. Ông từng cho rằng ông là người hạnh phúc nhất".

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG

Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930 – 2009) sinh tại Bình Định. Với hơn sáu thập kỷ sáng tác ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hàng trăm ca khúc, trường ca, ca khúc dành cho thiếu nhi và các bài hát phổ thơ.

Gia tài của ông có hơn 100 ca khúc nổi tiếng như: Thương quá Việt Nam, Thuyền hoa, Tóc mây, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Chuyến tàu về quê ngoại, Đường về hai thôn...

 
Sáu thập kỉ âm nhạc và khối lượng bài hát khổng lồ của Phạm Thế Mỹ. Nguồn: YOUTUBE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm