Nhiều lần tôi bảo vợ nên để tôi giữ lại một phần tiền lương để sử dụng cho sinh hoạt cá nhân nhưng vợ không đồng ý vì sợ tôi sinh tật. Tôi nghe bạn bè nói việc làm của vợ tôi là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình. Vậy, tôi xin hỏi việc làm trên của vợ tôi có đúng hay không?
Bạn đọc Huỳnh Minh Thắng (Quận 5, TP.HCM)
Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Nhiều người vợ nghĩ mình là “tay hòm chìa khóa” cho gia đình là điều tốt, thêm vào đó việc nắm giữ tài chính của chồng cũng là cách phòng tránh chồng chi tiêu phung phí. Tuy nhiên, ở cương vị người vợ hay người chồng đều cần có các nhu cầu chi tiêu cá nhân và mỗi thành viên trong gia đình ít nhiều cũng phải được quản lý số tiền mình kiếm được để chi tiêu cho những mục đích chính đáng.
Điều 56 Nghị định 167/2013 quy định phạt tiền 300.000-500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng. Đây được xem là hành vi bạo lực về kinh tế.
Tài sản chung của vợ chồng được hiểu là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (theo Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình).
Như vậy, nếu không có thỏa thuận khác thì tiền lương của mỗi bên sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, vợ chồng nên ngồi lại để cùng nhau thỏa thuận sử dụng nguồn tài sản chung và giải quyết các mâu thuẫn. Trong gia đình, đừng vì mâu thuẫn tài chính dẫn đến sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
Nếu anh đã nói hết lý lẽ mà vợ chồng vẫn không tìm được tiếng nói chung thì anh có thể phản ánh đến công an cấp xã, bởi mức phạt cho hành vi bạo lực kinh tế này thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã. Tôi mong rằng sau khi nghe anh trải lòng thì sẽ được chị thấu hiểu và có sự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.