Sáng ngày 9-10 tại Hà Giang trời rất nắng nóng, tôi còn nhớ nghe dự báo thời tiết nhiệt độ hôm đó còn cao hơn ngày chủ nhật đến mấy độ C. Theo lịch trình chuyến đi, tôi sẽ đi tiếp về Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hoá. Google map báo hành trình chuyến đi khoảng 8h đồng hồ chạy xe.
Vất vả đường vào bản
Vì đường tốt, thời tiết tốt nên chúng tôi chạy xe máy đến thị trấn huyện Tân Lạc tỉnh Hoà Bình khoảng 6h tối. Thông thường tôi luôn dừng lại nghỉ vào giờ này nhưng thấy trời vẫn còn rất sáng, Pù Luông cách đó không quá xa nên chúng tôi thử sức mình đi tiếp. Đường từ Tân Lạc qua Pù Luông chỉ toàn là núi và núi, dốc lên dốc xuống khúc khuỷu quanh co.
Lũ tràn về bản Hiêu
Lúc này trời mưa nhẹ nhưng không thể tìm được chỗ dừng chân, chung quanh là những bản làng thưa thớt. Gần 21 giờ, khi tôi đến địa phận Lũng Cao, thuộc huyện Bá Thước (Thanh Hoá) nơi giáp ranh với huyện Tân Lạc thì mưa bắt đầu nặng hạt không thể đi tiếp.
Ghé vào một ngôi nhà nhỏ ven đường hỏi thăm, cô bé chủ nhà đề nghị chúng tôi dừng lại nghỉ vì chặng đường tới còn những 30km lại rất nguy hiểm. Cô bé bảo chúng tôi có thể về bản Hiêu cách 7km vì chủ nhà đang ra đón khách cũng ngồi đợi tại đây. Mừng vì có chỗ tá túc qua đêm, đoàn gồm ba khách Tây và hai người chúng tôi theo chân một thanh niên về nơi nghỉ.
Đường từ Lũng Cao về bản Hiêu chỉ có 7km nhưng phải mất 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi do đường quá xấu, chỉ toàn đá và đất đỏ lầy lội, dốc nối tiếp dốc.
Ở đoạn cuối cùng xe máy không chạy được nữa nên gửi lại nhà người quen, chúng tôi cuốc bộ trong cơn mưa. Dù là trong đêm tối thẳm nhưng chúng tôi cảm nhận bản Hiêu đầy quyế rũ, vẳng tiếng suối róc rách reo. Sau này tôi mới biết bản Hiêu là một trong số ít nơi được khách Tây đánh giá là còn nguyên sơ và đường đến gian nan trắc trở nhất hiện nay.
Sáng hôm sau mưa tầm tã, người lại mệt lả nên đoàn khách Tây lẫn ta quyết định nghỉ lại một hôm. Không ngờ mỗi lúc trời lại mưa lớn hơn, nước từ đâu đổ về như trút. Nhà sàn nơi tôi nghỉ vốn chỉ có hai dòng suối nhỏ nên thơ giờ tứ bề là suối, nước chảy cuồn cuộn.
Cô chú chủ nhà cứ bảo tôi sang ngôi nhà sàn lớn để ở vì sợ nước lũ cuốn trôi đi ngôi nhà nhỏ này. Bản Hiêu vốn dĩ không có sóng wifi giờ lại mất luôn điện, mất luôn cả sóng điện thoại. Chúng tôi chỉ biết tin là cây cầu vào bản đã bị lũ cuốn trôi, đường sá bị sạt lở không thể đi lại, khắp nơi ngập nặng. Bản Hiêu hoàn toàn bị cô lập trong mấy ngày liền.
Vốn dĩ tò mò và thích mạo hiểm nhưng mấy ngày đó tôi chỉ dám đi loanh quanh nhà, không dám sang cả những ngôi nhà lân cận vì nước ngập khắp nơi, lũ cuồn cuộn chảy. Chỉ cần trượt chân ngã là có thể bị cuốn vào dòng thác gần đó. Những ao cá của người dân trong bản bị vỡ bờ, cá đi hết. Cả bản chạy tán loạn, người cầm cuốc đắp lại bờ, người cầm vợt hy vọng vớt được vài con cá còn sót lại. Nhưng đã quá muộn. “ Cá trôi hết cả rồi”, ông cụ người Thái lắc đầu bảo với tôi.
Mọi người nói mấy chục năm nay mới thấy một đợt lũ lớn như thế.
Người dân bản tìm cách cứu cá nuôi trong hồ
Không thể liên lạc được với bất cứ ai, không thể đi ra đi vào, mỗi ngày chúng tôi lấy thực phẩm dự trữ để nấu. Dần dần gà vịt thịt cá cũng hết. Ngày cuối cùng tôi ở, trong nhà chỉ còn gạo, mì gói, một quả trứng cùng ít măng rừng và chuối chín. Có thêm một nhúm tép nhỏ do dân làng đi vớt được ở ao chia cho và cô chú chủ nhà cứ nhất định nhường cho chúng tôi.
Đến ngày thứ ba, nhà liên lạc được với cậu con trai ở phía dưới. Vì chúng tôi quá sốt ruột phải đi tiếp nên chú chủ nhà quyết định dẫn chúng tôi đi đường rừng vòng ra ngoài. Xe máy của chúng tôi thì sẽ nhờ những thanh niên trong làng khiêng qua dòng suối đổ. Đường núi trơn trợt lại chênh vênh bên miệng vực, cây cối trong rừng bật gốc ngã đổ vô vàn nguy hiểm nhưng tôi vẫn quyết định đi vì không còn cách nào khác.
Đường vào bản bị cô lập
Cũng may sau hai tiếng đồng hồ ngã lên ngã xuống, chúng tôi cũng ra đường bìa rừng để nhận xe và đi tiếp.
Con trai của chú đón chúng tôi rầu rĩ vì tài sản trong nhà bạn bị trôi đi hết. “Mấy ngày nay em không ngủ được vì lo cho bố mẹ mà không có cách nào vào thăm hỏi. Bây giờ muốn viện trợ lương thực cũng không biết làm sao, không vào được mà cũng không ai bán”, bạn buồn bã nói. Thế nhưng cả nhà bạn kiên quyết không nhận tiền tôi gửi cho những ngày ăn ở phát sinh. Cô cứ nói “thương các cháu quá”.
Đường vào bản Hiêu
Rời khỏi bản Hiêu, tôi tiếp tục đến thị trấn Cành Nàng huyện Bá Thước để đi tiếp đường Hồ Chí Minh về Huế. Đường ngang huyện Như Xuân, núi rừng sạt lở, cây cối ngã đổ khắp nơi. Nhiều lần nghe nói lũ ở miền núi phía Bắc rất đáng sợ nhưng tôi chỉ thật sự hiểu điều đó khi vô tình một lần rơi vào tâm bão cùng với mọi người. Sau đó mới hay huyện Tân Lạc nơi tôi định ngủ lại bị bão lũ tan hoang, núi lở vùi chết nhiều người mà lòng tôi bàng hoàng.
Mong bản Hiêu hiền lành xinh đẹp sẽ bình an. Mong mọi thứ sẽ qua mau với miền núi phía Bắc thân thương.