Đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế đã gây thiệt hại đáng kể đến GDP trong quý III-2021. Cụ thể, sau khi đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm, GDP quý III-2021 suy giảm 6,2% (so cùng kỳ năm 2020), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý.
Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% so cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5,0% so cùng kỳ năm trước khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan.
Ở chiều ngược lại, ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tương đối vững, tăng trưởng 1,0% so cùng kỳ năm trước. GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà World Bank Việt Nam đưa ra hồi tháng 8 năm nay.
Một điểm đáng chú ý là vốn FDI đăng ký tháng 9 vừa qua tăng 26,1% so với tháng trước một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Được biết, nguồn vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 90,7% so tháng trước, trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỉ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc.
Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% (so cùng kỳ năm trước). Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% (so tháng trước), mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, vốn FDI thực hiện giảm 3,5% so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,7% (so tháng trước). Mức giảm một phần do chi phí nhà ở thấp hơn khi tiền thuê nhà và giá điện nước sinh hoạt giảm ở các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nhằm hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng vượt qua khủng hoảng. Học phí giảm cũng góp phần làm giảm áp lực lạm phát. Giá lương thực thực phẩm chững lại khi các tỉnh từng bước nới lỏng hạn chế đi lại và theo đó là gỡ bỏ những nút thắt trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. Trong khi đó giá cả hàng hóa và dịch vụ khác đi ngang do nhu cầu trong nước còn yếu. So với năm trước, CPI tháng 09 tăng 2,1%, thấp hơn so với tháng 8 (tăng 2,8%) và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0%.