Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu để các cơ quan có thẩm quyền có thêm góc nhìn pháp lý về vụ án.
Nguyên Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, cho là rất may khi vụ án chỉ mới xử sơ thẩm nên còn một cấp xét xử nữa. Về tố tụng, ông Hùng mong các cơ quan có thẩm quyền nên kháng nghị và bị cáo nên kháng cáo để vụ án được xét xử lại cho đúng luật.
Bà Nguyễn Thị Độc Lập uất nghẹn khi hai người anh của bà bị phạt tù sau cái chết oan ức của con trai bà. Ảnh: TẤN LỘC |
Mức phạt khó chấp nhận
. Phóng viên: Đầu tiên, ông nhận định gì về việc tòa vừa tuyên giam hai người thân của em học sinh bị công an đánh chết?
+ Ông Phạm Công Hùng: Tôi rất không đồng ý với mức án này. Nhìn toàn thể sự việc, họ chính là những người đau khổ nhất khi người thân là đứa bé bị đánh chết.
Chánh án TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) Đỗ Công Đa có nói: “Trong vụ án này không phải chỉ có hai người đó, sự việc diễn ra từ sáng đến chiều, có rất đông người nhưng không thể xử lý hết do không thể nhận dạng được. Nếu biết thì sẽ xử lý rất đông người...”. Tôi cho là thêm một sự vô lý khi có nhiều người không bị xử phạt mà chỉ có hai người đau khổ tận cùng bị xét xử trong khi lý ra họ cần được chia sẻ bởi lẽ người ngoài cuộc còn bức xúc huống gì là họ.
. Theo chánh án TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), “nói hai bị cáo trong vụ án này bị kích động mạnh thì không phải... Lẽ ra anh gặp chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề đó...”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
+ Cách lý giải này không hợp lý vì với diễn biến mà mọi người đều biết, chính việc cháu bé bị đánh chết chưa rõ ràng mới gây cho hai bị cáo bị kích động mạnh. Thay vì bắt họ phải đi tìm chính quyền hay cơ quan chức năng thì đúng ra chính quyền, công an cần kịp thời làm công tác tư tưởng bằng việc đến an ủi gia đình, đồng thời đưa ra hướng xử lý thỏa đáng.
Xem lại yếu tố xử tội
. Như vậy, việc tòa án huyện tuyên họ phạm tội gây rối trật tự công cộng liệu có thỏa đáng hay không?
+ Trước khi trả lời, tôi muốn đặt lại câu hỏi với những cán bộ tố tụng xử lý vụ án này, hậu quả của vụ án có phải do riêng hai người gây ra hay không. Vì hậu quả trong vụ án gây rối là dấu hiệu rất quan trọng khi xem xét về tội danh gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS.
Ngay chính trả lời của ông chánh án huyện cũng thể hiện “hậu quả này do nhiều người góp lại chứ không phải do riêng hai người, cũng không thể nói hai người này gây nên hậu quả đó mà của nhiều người”. Vậy tại sao dùng hậu quả của nhiều người gây ra để buộc hai bị cáo phải chịu trách nhiệm?
Giờ tôi đi vào phân tích việc cấu thành tội danh gây rối trật tự công cộng. Hai bị cáo có hành vi la hét nhưng có mục đích gây rối không hay vì họ đau khổ tột cùng và thể hiện sự bức xúc ra thành hành vi đó rồi bị quy buộc là gây rối? Tôi cho rằng việc nhận định về hành vi khách quan để khép tội gây rối như trên là không chuẩn.
Việc la hét chưa thể cấu thành tội, phải xác định hành vi đó xâm hại cái gì. Ở đây tôi cho rằng việc hai bị cáo la hét chỉ là để bộc lộ sự đau khổ muốn chia sẻ với cộng đồng và làm vơi đi nỗi đau. Đó là xét về mặt khách quan, còn về lỗi chủ quan trong trường hợp này có hay không thì cũng phải xem xét thêm. Theo tôi, hai bị cáo không có lỗi. Khi nào họ lôi kéo, kích động bảo mọi người đi phản đối thì họ mới có lỗi. Do vậy, xét về tổng quan thì tôi cho là chưa đủ yếu tố cấu thành tội gây rối.
. Xin cám ơn ông.
LS NGUYỄN KHẢ THÀNH, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên: Không đến mức xử lý hình sự Theo dõi xuyên suốt vụ việc từ khi xảy ra cái chết của cháu Tu Ngọc Thạch đến nay, tôi thấy vụ án gây rối trật tự công cộng là hệ lụy của vụ án công an viên xã Vạn Long đánh chết em Thạch. Hai vụ án này có mối quan hệ nhân quả với nhau, tức vụ án trước là nguyên nhân của vụ án này. Do đó, khi xử lý hành vi hai người thân của cháu Thạch thì không thể tách rời mối quan hệ với vụ án cháu Thạch bị công an vô cớ đánh chết. Hãy lấy hình ảnh khi một con chim bị bắn chết, cả đàn dừng bay, tụm lại. Là con người ai cũng có sự rung cảm, chia sẻ, nhất là khi người thân của mình bị xâm hại. Khi một cháu bé mới 14 tuổi, vô tội bị những người nhân danh pháp luật vô cớ còng tay, đánh đập dẫn đến cái chết quá đột ngột, quá uất ức, thử hỏi ai không bức xúc? Khi đó, người dân tập trung để hỏi thăm, chia sẻ và chắc chắn họ phải phẫn nộ. Ban đầu có thể họ chưa có ý thức gây rối gì, việc đó có thể chỉ tự phát hình thành. Khi đó cũng đã có hàng chục cán bộ chính quyền, công an, các đoàn thể, thậm chí có đầy đủ công cụ hỗ trợ, sao không có khả năng vận động, thuyết phục người dân để giải tán đám đông để không gây ách tắc giao thông nhiều tiếng đồng hồ? Sự không kiềm chế được bức xúc có thể khiến người ta không làm chủ bản thân, dẫn đến một số hành vi vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên, trong trường hợp này chưa thể nói hai người nhà cháu Thạch vi phạm pháp luật hình sự. TẤN LỘC ghi
HOÀNG YẾN thực hiện