TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp khá hy hữu là đòi quyền giám sát tài sản của người mất năng lực hành vi dân sự giữa ông Đặng Văn Điệp và con gái ông là bà Đặng Thị Mỹ Hoa. Người liên quan trong án là bà Phạm Thị Lợi (vợ cũ ông Điệp), ông T. và bà L. (cùng là hai con của ông Điệp).
Theo hồ sơ, ông Điệp và bà Lợi từng là vợ chồng, có ba người con chung là bà Hoa, ông T. và bà L. Trước khi ly hôn, ông bà có tặng cho con trai là ông T. một căn nhà tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Sau khi vợ chồng ông Điệp ly hôn thì ông T. bị bệnh nặng và không còn khả năng nhận thức. Tháng 5-2016, TAND quận Tân Phú, TP.HCM ra quyết định tuyên bố ông T. mất năng lực hành vi dân sự. Theo quyết định, ông Điệp và bà Lợi là người giám hộ đương nhiên của ông T. Đối với căn nhà từng cho ông T., ông Điệp và bà Lợi thống nhất giao cho hai con gái là bà Hoa và bà L. giám sát việc giám hộ.
Ông Đặng Văn Điệp tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: MV
Sau đó, ông Điệp, bà Lợi có dự định bán căn nhà trên để sử dụng một nửa tiền mua một căn nhà nhỏ hơn cho bà Hoa và ông T. ở. Số tiền còn lại sẽ sử dụng vào việc chăm sóc, chữa bệnh cho ông T. và do bà Hoa quản lý.
Tuy nhiên, sau khi bán căn nhà được hơn 8,5 tỉ đồng thì bà Hoa nắm giữ hết, ông Điệp nhiều lần yêu cầu con gái giao lại tiền nhưng bất thành. Tháng 7-2018, ông Điệp khởi kiện yêu cầu bà Hoa phải giao lại hơn 8,5 tỉ đồng vì cho rằng đã lạm quyền của người giám hộ.
Tháng 9-2020, TAND quận Tân Phú, TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Điệp. HĐXX cho rằng trong gần hai năm mà bà Hoa sử dụng gần 2 tỉ đồng để chi phí sinh hoạt, chữa trị cho ông T., với tốc độ sử dụng tiền như vậy sẽ gây thiệt hại cho ông T. Sau đó bị đơn kháng cáo, VKSND TP.HCM kháng nghị bản án.
Tòa sơ thẩm xác định sai quan hệ tranh chấp
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của bà Hoa trình bày hiện không còn giữ số tiền bán nhà mà đã giao lại toàn bộ cho bà Lợi. Bà Lợi thì liệt kê ra khoản chi phí 2,5 tỉ đồng để chăm nuôi ông T. và yêu cầu tòa truất bỏ tư cách là người giám hộ của ông Điệp đối với ông T.
Đại diện VKS cho rằng số tiền mà ông Điệp yêu cầu bà Hoa giao trả không phải là tài sản của nguyên đơn. Do đó, tòa án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là đòi tài sản là không đúng mà phải là đòi tài sản cho người được giám hộ.
Cụ thể, khoản 1 Điều 51 BLDS (về giám sát việc giám hộ) quy định trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
HĐXX nhận định ông Điệp yêu cầu bà Hoa phải trả lại tiền cho ông T. nhưng bản án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp đòi tài sản là chưa chính xác nên chấp nhận kháng nghị của VKS. Cũng theo tòa, việc ông Điệp và bà Lợi thỏa thuận giao số tiền bán nhà của ông T. cho bà Hoa quản lý và định đoạt là không đúng theo điểm c khoản 1 Điều 57 BLDS.
Về yêu cầu truất bỏ tư cách giám hộ của ông Điệp, bà Lợi không xuất trình được chứng cứ chứng minh ông Điệp vi phạm tư cách đạo đức, danh dự, nhân phẩm... Do đó, tòa cho rằng yêu cầu của bà Lợi không được chấp nhận. Cuối cùng, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Điệp, tuyên buộc bà Lợi phải trả lại số tiền bán căn nhà cho ông T., ông Điệp và bà Lợi cùng có quyền giám sát số tiền này.
Nội dung kháng nghị của viện kiểm sát
Sau khi có bản án sơ thẩm, VKSND TP.HCM ban hành kháng nghị, cho rằng hiện pháp luật không có quy định về khái niệm người giám sát giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự.
Hồ sơ vụ án có văn bản thỏa thuận rằng ông Điệp, bà Lợi và bà Hoa là ba người có quyền định đoạt tài sản của ông T. Trong khi điểm a khoản 4 Điều 51 BLDS 2015 quy định người giám sát có quyền theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ. Ngoài ra, không có điều luật nào quy định người giám sát được quản lý hay định đoạt tài sản của người được giám hộ.
Do vậy, thỏa thuận giữa ba người là trái với quy định của pháp luật, bản án sơ thẩm chấp nhận thỏa thuận trên là sai. Thực tế, việc thỏa thuận không đúng pháp luật này đã được giải quyết, khắc phục khi bà Hoa giao lại tiền cho bà Lợi. Tuy nhiên, việc này cũng có thiếu sót là bà Hoa đã không thông báo cho ông Điệp biết.
Hiện tại bà Lợi là người giữ tiền, bản án sơ thẩm tuyên buộc bà Lợi phải giao lại tiền cho ông Điệp và bà Lợi chỉ là hình thức, không phù hợp. Trường hợp này tòa chỉ nên buộc bà Lợi cùng phải có trách nhiệm với ông Điệp trong việc quản lý tài sản của ông T.