Vụ án kim cương máu liên quan đến siêu mẫu Naomi Campbell

Tại sao Naomi Campbell hất đổ camera và tránh né một cuộc phỏng vấn của ABC News trong tháng 4 vừa qua  khi người ta đặt câu hỏi liệu siêu mẫu đã có nhận một viên kim cương thô to lớn từ cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor cách đây 13 năm hay không? Naomi Campbell đã lúng túng phủ nhận về món quà kim cương hay chuyện cùng ăn tối với Charles Taylor (mặc dù có một bức ảnh chụp hai người ngồi chung với nhau), và siêu mẫu da đen cũng từ chối hợp tác hoàn toàn với các công tố viên trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của Charles Taylor ở The Hague.

Vụ án kim cương máu liên quan đến siêu mẫu Naomi Campbell ảnh 1

Naomi Campbell

Nữ diễn viên điện ảnh Mia Farrow, vợ cũ của đạo diễn Woody Allen, là  người đầu tiên đề cập đến sự liên quan giữa Naomi Campbell và câu chuyện "viên kim cương máu" với Hãng Thông tấn ABC. Campbell, Farrow, Quincy Jones và Taylor nằm trong số những vị khách mời tại bữa ăn tối làm từ thiện năm 1997 do Nelson Mandela tổ chức. Sau bữa điểm tâm sáng hôm sau, Farrow nói cô nghe thấy Campbell giải thích rằng những người trung gian của Taylor xuất hiện trước cửa phòng siêu mẫu trong đêm và chuyển giao viên kim cương.

Với vụ việc này, Tòa án The Hague sẽ phải quyết định buộc Naomi Campbell có lời phát biểu chính thức hoặc ra trước tòa làm chứng. Nếu như Campbell tuyên thệ chứng thực lời nói của Farrow thì điều đó sẽ tác động rất lớn đến lời khai của Taylor rằng ông ta không hề sở hữu, vận chuyển, buôn lậu hay phân phối bất cứ viên kim cương nào.

Hiện thời vẫn chưa rõ Campbell sẽ đáp lại trát đòi hầu tòa như thế nào, nhưng sự phản ứng khá gay gắt của siêu mẫu trước sự chất vấn của ABC News về mối liên quan giữa cô với một cựu Tổng thống Liberia đang đối mặt với 11 điểm buộc tội về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, người ta có cơ sở để cho rằng siêu mẫu sẽ tránh xuất hiện trước tòa án The Hague.

Tuy nhiên, một số nhân vật hành pháp có liên quan đến phiên tòa xử tội ác chiến tranh cho biết có thể sẽ có vấn đề ép buộc nếu như Campbell từ chối trát đòi hầu tòa. Lúc đó tòa án có thể sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Anh - vì siêu mẫu là công dân Anh - để yêu cầu họ thuyết phục Bộ Nội vụ Anh tôn trọng cam kết ủng hộ phiên tòa của chính phủ nước này. Nhưng trước tình huống này, người ta vẫn chưa rõ Chính phủ Anh sẽ xử lý như thế nào.

Các luật sư của Campbell cũng cố gắng thuyết phục siêu mẫu ra hầu tòa, nhưng vấn đề ở đây là tại sao Campbell luôn từ chối nói đến câu chuyện về viên kim cương máu của Charles Taylor? Cuối cùng là, tại sao một siêu mẫu luôn gắn bó với hàng loạt những hoạt động từ thiện quốc tế - Hãng Thông tấn ABC bất ngờ chất vấn Campbell khi cô đang tham dự sự kiện Tuần Thời trang New York ủng hộ Haiti - lại từ chối hợp tác với một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của Charles Taylor, người đã gây ra hàng ngàn cái chết và có những hành động tàn bạo không tả xiết?

Vụ án kim cương máu liên quan đến siêu mẫu Naomi Campbell ảnh 2

Charles Taylor

Một vài nhân vật liên quan đến phiên tòa cho biết, trong số hàng trăm nhân chứng tiềm tàng được yêu cầu làm chứng chống lại Charles Taylor - tất cả đều được bảo đảm an toàn và một số người được làm chứng qua hệ thống video hay từ trong những phòng kề cận - chỉ có mỗi một người là không thể xuất hiện do đã chết đột ngột vì bệnh phổi tắc nghẽn.

Người phát ngôn của tòa án tội ác chiến tranh Sierra Leone cũng nói ông "không biết bất cứ người nào" từ chối làm chứng. Một số người sẽ làm chứng về những chi bị chặt đứt của họ, về cảnh bất lực chứng kiến người thân bị tàn sát ngay trước mắt hay về những cuộc hiếp dâm tập thể.

Thực tế đã cho chúng ta thấy vàng và kim cương đã nuôi dưỡng những cuộc xung đột ở châu Phi - như bộ phim "Kim cương máu" của ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio - và còn đầu độc những người nổi tiếng như thế nào. Và Charles Taylor từng được báo giới mô tả là Ngài Kim cương. Và phải nói rằng, siêu mẫu Naomi Campbell chưa phải là ngôi sao duy nhất có qua lại với nhà độc tài Liberia và thích thú với sự hào phóng của ông ta.

Các nhà điều tra tội phạm chiến tranh cũng đã nhiều lần nói rằng, Charles Taylor sử dụng kim cương để tìm kiếm quyền lực chính trị ở đất nước láng giềng Tây Phi Sierra Leone và đặc biệt là những vị khách may mắn sau khi diện kiến nhà độc tài đôi khi hí hửng ra về với một viên kim cương trong tay. Trong số những vị khách quý của Taylor có thể kể Pat Robertson và Jesse Jackson.

Người ta cho rằng có những lý do tiềm ẩn khác khiến Naomi Campbell từ chối đề cập đến câu chuyện kim cương liên quan đến Taylor. Nếu như Campbell mang một viên kim cương to và có giá trị vào nước Mỹ hay Anh, ắt hẳn cô phải khai báo nó với hải quan nước sở tại - đồng thời phải đóng một khoản lệ phí đáng kể. Nếu không như vậy, Campbell sẽ vi phạm luật xuất - nhập khẩu và dính líu đến những vấn đề về thuế má. Và, tùy thuộc vào thời điểm mà Campbell đi lại cùng với viên kim cương như thế, cô có thể vi phạm những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và bị coi là vượt biên trái phép cùng với "những viên kim cương xung đột (máu)".

Như một công tố viên Mỹ từng xử lý những vụ việc tương tự, nói: "Anh không thể mang một viên đá quý to đùng vào một quốc gia khác". Bởi vì những khoản lệ phí, tiền phạt cũng như những vấn đề khác có thể tương đương hoặc vượt quá giá trị của chính viên đá đó. Nói khác đi, nếu Naomi Campbell thừa nhận đã nhận một viên kim cương từ Charles Taylor có nghĩa là siêu mẫu phải bỏ ra khoản tiền hàng chục ngàn USD hoặc hơn để có thể sở hữu nó một cách hợp pháp.

Dĩ nhiên, cũng có khả năng là trí nhớ của Mia Farrow có vấn đề? Nhưng  Farrow rất tin tưởng vào trí nhớ của mình và nói với ABC News: "Đó chắc chắn là chuyện đã xảy ra và tôi tin chắc mình nhớ đúng. Thử nghĩ xem, anh làm sao có thể quên được chuyện khi một bạn gái bảo rằng cô ấy đã nhận được một viên kim cương khổng lồ làm quà tặng ngay vào lúc giữa đêm".

Trong phiên tòa ở Sierra Leone thẩm vấn Charles Taylor vào đầu năm nay, công tố viên Brenda Hollis nói rằng, viên kim cương mà nhà độc tài tặng cho Campbell là một phần trong những thứ quý giá bí mật khác được ông ta bán hay trao đổi trong chuyến viếng thăm đến Nam Phi để tìm nguồn cung cấp vũ khí nuôi dưỡng chiến tranh.

Về việc này, Taylor bình tĩnh lặp đi lặp lại lời cáo buộc đó là "hoàn toàn sai" và "không có một chút ý nghĩa nào cả". Courtenay Griffiths, luật sư của Taylor, gọi tuyên bố của Farrow chỉ là "lời đồn nhảm" và đề nghị tòa án không chấp nhận sử dụng lời nói của Farrow để đối chất với Taylor. Griffiths cũng tuyên bố trong phiên tòa ở Sierra Lione rằng chỉ một người có thể nói đến câu chuyện viên kim cương được cho là món quà của Taylor - đó chính là siêu mẫu Naomi Campbell.

Trong khi người ta còn chưa rõ siêu mẫu Naomi Campbell liệu có còn tiếp tục coi Mia Farrow là "bạn gái" của mình hay không, thì các công tố viên đang đắn đo không biết có cần chính thức yêu cầu Naomi Campbell ra làm chứng buộc tội Taylor trước tòa án hay không.

Diên San tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm