Vụ án kỳ lạ: Mẹ nạn nhân mong bị cáo thoát tội hiếp dâm

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương vụ Nguyễn Minh Hiền bị truy tố về tội hiếp dâm trẻ em để điều tra, xét xử lại. 

Giấy khai sinh: Người bị hại chưa đủ 13 tuổi

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, tháng 3-2013, Hiền (sinh ngày 10-6-1995) đi dự sinh nhật của một người bạn ở thị xã Thuận An (Bình Dương) rồi quen em D. (sinh ngày 13-10-2000). Từ đó Hiền thường đến phòng trọ của em D. chơi.

Khoảng tháng 4 đến tháng 6-2013, trong ba lần Hiền đến phòng trọ chơi, em D. đều chủ động đóng cửa phòng để cả hai làm chuyện người lớn. Sau đó thì em D. mang thai và sinh con.

Tháng 6-2014, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm nhận định không xác định được ngày “quan hệ” của Hiền và D., chỉ biết giữa tháng 4-2013. Tính đến thời điểm này thì em D. mới 12 tuổi năm tháng 27 ngày. Từ đó tòa phạt Hiền 12 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em. (Mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, theo khoản 4 Điều 112 BLHS.)

Sau đó cả Hiền lẫn em D. đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Hiền.

Hai bà mẹ của phía người bị hại và bị cáo đều tha thiết mong bị cáo được thoát tội. Ảnh: NN

Hủy án vì giám định cho kết quả khác

Tòa phúc thẩm từng một lần mở phiên xử nhưng hoãn để giám định độ tuổi của em D. theo yêu cầu của gia đình em. Kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho biết tại thời điểm giám định (20-11-2014), em D. có độ tuổi khoảng 15 tuổi ba tháng đến 16 tuổi ba tháng, tức tại thời điểm bị cáo Hiền quan hệ thì em D. đã trên 13 tuổi.

Tại phiên phúc thẩm lần này, mẹ của em D. một mực khai rằng em sinh tháng 10-1999 chứ không phải tháng 10-2000 như trong giấy khai sinh. Đại diện VKS dẫn kết quả giám định và cho rằng giữa giấy khai sinh và kết luận giám định có mâu thuẫn với nhau về độ tuổi của nạn nhân. Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa hủy án để điều tra lại.

Theo luật sư của Hiền, khi giao cấu với em D. thì Hiền dưới 18 tuổi. Giấy khai sinh ghi em D. sinh năm 2000 là giấy khai sinh trễ hạn. Mẹ em D. cũng không thừa nhận con mình sinh năm 2000 mà nói em sinh năm 1999 (tức khi quan hệ, em D. đã trên 13 tuổi). Kết luận giám định cũng cho thấy em D. trên 13 tuổi. Như vậy, Hiền sẽ không phạm cả tội hiếp dâm trẻ em lẫn tội giao cấu với trẻ em (vì chủ thể của tội giao cấu với trẻ em phải là người thành niên, trong khi Hiền chưa đủ 18 tuổi). Từ đó, luật sư yêu cầu tòa tuyên Hiền không phạm tội...

Theo tòa, do có mâu thuẫn giữa giấy khai sinh và kết quả giám định nên chưa xác định được tuổi của nạn nhân để kết luận bị cáo có tội hay không. Tình tiết này cấp phúc thẩm không thể bổ sung được nên phải tuyên hủy án.

Phải căn cứ vào kết quả giám định?

Vấn đề đặt ra là tuổi thật của người bị hại bao nhiêu, bởi nếu dưới 13 tuổi thì bị cáo phạm tội hiếp dâm trẻ em, còn nếu trên 13 tuổi thì bị cáo không phạm tội nào.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Giấy khai sinh là chứng cứ quan trọng trong việc xác định độ tuổi của người bị hại. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào giấy khai sinh để xác định độ tuổi chính xác của người bị hại thì chưa toàn diện, nhất là khi gia đình người bị hại khẳng định năm sinh khác với giấy khai sinh. Trong khi đó, giấy khai sinh của D. là giấy khai sinh trễ hạn, vì vậy cần phải xem xét thận trọng độ chính xác về ngày tháng năm sinh ghi trong giấy này. Vì có thể do hoàn cảnh, điều kiện nào đó nên việc làm giấy khai sinh ở các vùng quê chưa được chú trọng, độ chính xác không cao. 

Theo luật sư Chánh, kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự cho thấy D. đã trên 13 tuổi vào thời điểm giao cấu. Điều này là phù hợp với lời khai của mẹ người bị hại. Vì vậy, việc tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xác định lại độ tuổi của D. là hoàn toàn có căn cứ.

Theo luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi giấy khai sinh trễ hạn và gia đình người bị hại cũng không thừa nhận độ tuổi trong giấy khai sinh thì chỉ còn cách là cho người bị hại đi giám định. Đây sẽ là cơ sở khoa học quan trọng để xác định chính xác tuổi thật của người bị hại. Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng có thể dựa vào “chứng chỉ bí tích” (đối với người theo đạo Công giáo) hoặc giấy chứng sinh của bệnh viện.

 

Tòa căn cứ kết quả giám định để xử

Trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng thông tin một vụ án có rắc rối về việc xác định độ tuổi của người bị hại. Mẫn và L. có quan hệ tình cảm. Sau đó gia đình L. phát hiện L. có thai nên tố cáo với công an. Tháng 7-2012, Mẫn bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em. Mẫn bỏ trốn, đến tháng 2-2013 thì ra đầu thú và bị truy tố tội giao cấu với trẻ em.

L. được xã Phú Thanh cấp giấy khai sinh ghi ngày sinh là 17-6-1995 (ngày đăng ký là 27-11-1997), xã Phú An lại cấp giấy khai sinh cho L. ghi sinh ngày 12-12-1999. “Chứng chỉ bí tích” của Giáo phận Xuân Lộc thì thể hiện L. sinh ngày 13-5-1997. Còn cha mẹ L. thì khai L. sinh năm 1997, vì đăng ký khai sinh trễ hạn, sợ bị phạt hành chính nên mới đăng ký cho L. sinh ngày 12-12-1999.

Nếu căn cứ giấy khai sinh mà xã Phú Thanh cấp cho L. (sinh ngày 17-6-1995) thì Mẫn không phạm tội. Trước tình huống này, TAND huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã cho L. đi giám định. Giám định lần đầu xác định L. 17 tuổi +/- ba tháng.  TAND huyện Tân Phú tiếp tục cho L. giám định lần 2. Lần này, cơ quan giám định kết luận tại thời điểm quan hệ với Mẫn, L. mới từ 14 tuổi tám tháng đến 15 tuổi hai tháng. tòa căn cứ vào kết luận giám định lần 2 để phạt Mẫn ba năm sáu tháng tù về tội giao cấu với trẻ em.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm