Các bị cáo nghe đọc cáo trạng tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
Các bị cáo này nguyên là cán bộ, lãnh đạo của công ty Vifon đã có những hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thất thoát của nhà nước số tiền là 18,2 tỷ đồng.
Sau phần xét căn cước của 5 bị cáo tại tòa, tòa mời đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính (bị hại) để phổ biến quyền và nghĩa vụ của bị hại, tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính không có mặt.
Đại diện của Bộ công thương kiên quyết phủ nhận đơn vị này là bị hại của vụ án. Theo đại diện Bộ Công thương, họ chỉ đến tham dự phiên tòa để rút kinh nghiệm về mặt quản lý.
Sau phần “từ chối” làm bị hại của đại diện Bộ Công thương, luật sư Phan Trung Hoài, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Huyền có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét lại phần bị hại trong vụ án, bởi theo ông thì một vụ án được đưa ra xét xử khi có bị hại hoặc có đơn, tuy nhiên, Bộ công thương đã xác nhận mình không phải bị hại, bởi vậy, luật sư yêu cầu triệu tập đại diện Bộ Tài chính đến tòa.
Tuy nhiên, sau một thời gian hội ý, thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa tuyên vẫn tiếp tục xét xử bởi các cơ quan tố tụng đã xác định được việc thiệt hại tài sản do các bị cáo gây ra, đồng thời cũng vẫn xác định Bộ Công thương và Bộ Tài chính là bị hại của vụ án.
Theo công bố từ VKSND tối cao, từ năm 2002-2006, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, Nguyễn Bi (64 tuổi, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc) và Nguyễn Thanh Huyền (58 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vifon) đã chiếm đoạt gây thiệt hại cho Nhà nước và cổ đông Công ty Vifon tổng số tiền 18,2 tỉ đồng. Ngoài hai bị cáo trên, Viện kiểm sát còn truy tố thêm các bị cáo khác với vai trò đồng phạm, giúp sức là Đàm Tú Liên (52 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty Vifon), Dương Thị Mẫn (66 tuổi, nguyên kế toán Công ty Vifon) và Ka Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ Công ty Vifon).
Theo HOÀNG ĐIỆP (TTO)