Ngày 27-5, phiên xử đại gia Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Phú Mỹ) cùng các đồng phạm cố ý làm trái quy định và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tiếp tục phần tranh luận.
Các bị cáo tại phiên tòa
Trước đó, liên quan đến nhóm Phương Trang, Ngân hàng Xây dựng (CB, trước đó là Đại Tín thời bà Phấn, VNCB - thời ông Phạm Công Danh) với tư cách nguyên đơn dân sự đề nghị buộc các khách hàng vay và các bên liên quan: bên bảo đảm, bên bảo lãnh khoản vay phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán các khoản vay số tiền hơn 27.220 tỉ đồng. Trong đó nợ gốc là hơn 9.400 tỉ đồng và lãi 17.700 tỉ đồng phát sinh theo các hợp đồng tín dụng, phát hành trái phiếu, các khoản vay bắt buộc theo bảng kê chi tiết...
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp bảo vệ cho nhóm Phương Trang không đồng tình.
Kết luận điều tra và cáo trạng xác định bà Phấn thủ đoạn phạm tội rất tinh vi. Cách thức giải ngân để thanh lý các khoản vay của Phương Trang mà bà Phấn chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín thực hiện không chỉ để cân đối sổ sách, đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang, mà còn tìm cách làm dãn xa khoảng cách giữa các khoản vay của Công ty Phương Trang so với những khoản đã thụ hưởng của nhóm Phú Mỹ, đảm bảo an toàn cho những khoản thu khống từ nhóm Phú Mỹ tránh bị phát hiện.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp và Phan Trung Hoài bảo vệ quyền lợi cho công ty Phương Trang
Với cách giải ngân bằng cấn trừ các chứng từ thu, cuối cùng bà Phấn và các đồng phạm đã đẩy toàn bộ dư nợ mà nhóm Phú Mỹ đã thụ hưởng sang Công ty Phương Trang, buộc Công ty Phương Trang phải chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Đại Tín.
Theo kết quả điều tra, trong tổng số tiền 16.000 tỉ giải ngân cho 82 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu, Công ty Phương Trang không được thụ hưởng số tiền 6.171 tỉ đồng thu khống từ tất toán các khoản vay của Công ty Phương Trang, mà chỉ thực nhận số tiền 3.900 tỉ đồng Ngân hàng Đại Tín rút từ NHNN.
Luật sư cho biết Công ty Phương Trang cho đến trước thời điểm làm đơn tố cáo đã không hình dung được thủ đoạn tinh vi của bà Phấn được nêu trong kết luận điều tra và cáo trạng. Bà Phấn cho nộp các phiếu thu đóng nợ lãi khống cũng là cuốn chiếu nợ lãi mà không thông báo cho đầu tư Phương Trang biết, nên sau cùng mới có con số dư nợ khống hơn 9.400 tỉ đồng.
Và luật sư Vũ Phi Long nói việc tính lãi của CB là chính xác nhưng không hợp lý.
Luật sư phân tích, về mặt dân sự, 82 khoản vay có tài sản đảm bảo, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch… đó là tài sản của nhóm Phương Trang đưa vào để vay tiền. Vậy thì có người chủ nào mang tài sản vào để người khác cấu kết lấy chiếm đoạt tài sản không?
Trong khi hầu hết nhân viên đều đã thừa nhận sai phạm của họ như thu chi khống, đảo lộn hệ thống tài chính vậy mà có ý kiến cho rằng những người này không sao cả, Ngân hàng Đại Tín vẫn giữ được tài sản của Phương Trang.
Về đề nghị trả lãi gốc lên đến 27.000 tỉ đồng của CB: “Chúng tôi không liên quan nên không có việc bồi thường” - luật sư Long nhấn mạnh.
Luật sư Vũ Phi Long (người cầm bút) tại phiên tòa
Theo luật sư, xu hướng của phiên tòa, cách xét hỏi làm cho người dự tòa cảm giác Phương Trang lấy hết tiền hoặc chối bỏ không nhận tiền. Luật sư cho rằng chưa bao giờ Phương Trang nói chưa nhận tiền cả. "Chúng tôi có nhận tiền, số còn lại chúng tôi chưa nhận được, còn phụ thuộc vào quyết định của HĐXX" - ông Long nói.
Về việc tính lãi đến bao giờ, VKS cho rằng tính đến ngày khởi tố là chính xác nhưng trong trường hợp này là chưa đúng. Vì trước ngày khởi tố, Phương Trang đã nộp đơn tố cáo vào tháng 2-2012. Luật sư mong HĐXX xem xét vấn đề này.
Việc định giá tài sản bị cầm giữ đã lên rất nhiều lần so với Phương Trang nhận, luật sư cho rằng số tài sản này như giậm chân tại chỗ thì Phương Trang làm sao phát triển khi muốn xây dựng trạm dừng chân. Từ đó luật sư mong HĐXX xem xét trên cơ sở số tài sản kéo dài từng đó năm. Nếu cần thiết, Phương Trang sẽ cung cấp phương pháp tính giá trị tài sản.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục phần tranh luận.