Như thông báo chiều qua, sáng nay là phần hỏi của VKS và luật sư (LS).
Trả lời VKS, bị cáo Bùi Thị Kim Loan cho biết mình làm kế toán ở Công ty Phú Mỹ, chồng thì làm ở Ngân hàng Đại Tín, thu nhập một tháng khoảng hơn 20 triệu đồng. Những tài sản mà bị cáo đứng tên là đứng giùm bà Phấn, vì với mức lương như vậy hai vợ chồng bị cáo hoàn toàn không có những tài sản như thế. Còn liên quan đến hồ sơ mua bán nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thì Loan cho rằng chỉ nhận hồ sơ từ bà Phấn rồi đưa hồ sơ cho người khác ký. "Cô Phấn nói là "cô đã trao đổi hết rồi, còn lại con cứ đem đi"" - Loan nói.
Khi VKS hỏi về số tiền và căn cứ CB (Ngân hàng Xây dựng) yêu cầu Phương Trang trả, CB cho rằng số tiền mà Phương Trang đã vay, đã nhận nợ và số tiền thực tế đã giải ngân cho khách hàng thì khách hàng sử dụng vốn đó như thế nào, có bị ai chiếm đoạt hay không thì việc đó không thuộc trách nhiệm CB, CB không kiểm soát hay giám sát chuyện đó. Đồng thời, CB căn cứ vào hồ sơ vay có chữ ký của khách hàng và chữ ký của chủ tài sản, chứng từ giải ngân đều không phải là giả mạo để cho rằng đó không phải là các khoản vay khống.
Sau khi VKS hỏi xong thì LS bào chữa cho bà Phấn hỏi đại diện CB về các khoản vay giữa Phương Trang và CB.
CB xác định chỉ đòi 9.402 tỉ đồng, tương ứng với 46 khoản vay và một khoản phát hành trái phiếu hiện còn dư nợ tại CB, CB kế thừa từ Ngân hàng Đại Tín (các khoản vay này thực hiện vào năm 2011, 2012 thời Ngân hàng Đại Tín).
CB cho rằng tài sản thế chấp đứng tên nhóm Phương Trang và Phú Mỹ, CB xác định toàn bộ hồ sơ thế chấp được ký tại văn phòng công chứng và đều đăng ký giao dịch bảo đảm.
Khi LS hỏi về việc lúc ký các hợp đồng thế chấp đó, về mặt ý chí của người thế chấp tài sản có gì thể hiện họ bị ép buộc hoặc bị lừa dối khi thực hiện việc thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm hay không? CB cho rằng hồ sơ không thể hiện cái đó.
CB khẳng định không nhận được bất kỳ khiếu nại gì về việc vay tiền, chỉ đến khi Ngân hàng Nhà nước vào thanh tra thì mới phát sinh khiếu nại.
CB cho rằng việc hôm qua trả lời HĐXX, Phương Trang cho rằng số tiền Đại Tín cho Phương Trang vay 2.000 tỉ đồng để mua trái phiếu, Phương Trang chưa nhận được là không chính xác. Theo CB, toàn bộ số tiền này đã được giải ngân bằng chuyển khoản cho Phương Trang. CB khẳng định toàn bộ hồ sơ mà Ngân hàng Đại Tín sau khi tái cơ cấu và chuyển cho CB, CB vẫn lưu giữ đầy đủ và bảo quản.
Khi LS bào chữa cho bà Phấn hỏi CB về số tiền 132,8 tỉ đồng liên quan đến số tiền phát hành trái phiếu 2.000 tỉ đồng, chủ tọa ngắt lời và cho rằng LS nên hỏi thẳng Phương Trang thì tiện hơn vì CB căn cứ theo hồ sơ tín dụng của họ mà đòi. Theo chủ tọa, điều này là để tránh mất thời gian và để làm rõ hơn sự việc.
Đại diện Phương trang tại tòa. Ảnh: YC
Sau đó, LS hỏi Phương Trang về các vấn đề liên quan đến các khoản vay của Phương Trang tại CB.
Một lần nữa Phương Trang xác nhận chưa nhận một đồng nào trong số tiền vay 2.000 tỉ đồng để mua trái phiếu Trường Vỹ. Giải thích về việc vì sao trong hai công văn vào tháng 3-2012 và một công văn vào tháng 5-2012 của Công ty Phương Trang có nội dung xác nhận đối với khoản vay 2.000 tỉ đồng này Phương Trang đã nhận 132,8 tỉ đồng và đã trả lãi, Phương Trang cho rằng nội dung này đã làm rõ, về công văn trao đổi, ý kiến về số tiền thực nhận trên dưới 4.000 tỉ đồng và những số liệu xung quanh đó là những số liệu chưa đối chiếu công nợ vào thời điểm tháng 3, tháng 4-2012. Sau đó, quá trình thực nhận số tiền 3.900 tỉ đồng thì án sơ thẩm đã làm rõ và CB đề nghị xem xét tính đúng đắn của án sơ thẩm, Phương Trang cũng không thể trả lời thêm.
LS tiếp tục hỏi lúc ban hành ba công văn trên có bị áp lực gì không? Phương Trang không trả lời vì cho rằng không liên quan...