Sau khi đăng tải bài viết “Bỗng dưng bị người lạ chiếm nhà”, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.
Bạn đọc Lê Công Dân viết: “Lạ nhỉ, cái xe còn có chủ huống hồ là cả một căn biệt thự. Công an Thủ Đức nhanh chóng trả lời để người dân khỏi bất an và để tình hình an ninh trật tự được ổn định”.
Bạn Ngọc Thìn thì thốt lên: “Kiểm tra hồ sơ nhà, truy người bán thì biết ngay, sao công an lại để cho tội phạm hoành hành vậy!”.
Đồng tình, bạn KGB có bình luận: “Chả hiểu ra làm sao? Tự nhiên mua nhà đã trả tiền sang tên lại bị bà K. nào đó bán cho bà L... nghe cứ như... chuyện cổ tích. Sổ hồng đâu? Đứng tên ai? Lý do gì bà K. bán được nhà? Bà L. có gì chứng minh quyền sở hữu? Còn mua bán giấy tay thì... ráng chịu”.
Còn bạn đọc Anh Bay thì bức xúc đặt nhiều câu hỏi: “Thật khó hiểu, nhà anh Tiển mua có hợp thức hóa, việc rõ như ban ngày CAĐT quận Thủ Đức chờ điều tra? Nhà anh Tiển mua có hợp pháp? Nếu hợp pháp CQĐT không có biện pháp trục xuất người chiếm nhà? Khởi tố vụ án? Tội xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp? Khi người dân cần tới CQĐT công an là phải chờ điều tra. Theo suy nghĩ cá nhân tôi, CQĐT Công an quận Thủ Đức chỉ cần ba ngày điều tra là có kết quả. Xác minh người bán nhà cho anh Tiển (nhà có tranh chấp), xác minh phòng công chứng (giấy tờ thật giả), xác minh người chiếm nhà có giấy tờ hợp lệ? CQĐT có kết luận. Một tháng trôi qua CQĐT Công an quận Thủ Đức còn điều tra?...”.
Anh Tiển đã cho tháo dỡ cánh cổng nhưng nhóm người lạ vẫn cố thủ không dời đi.
Trao đổi với PV, luật sư Đinh Quang Trọng Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của nhóm người tự ý vào chiếm nhà anh Tiển đã đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm chỗ ở của người khác, được quy định tại Điều 158 BLHS 2015. Điều này quy định nếu người khác chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc đang quản lý nhà ở hợp pháp thì có dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Như đã thông tin, anh Nguyễn Trần Tiển (28 tuổi, quê Ninh Thuận) có đơn tố cáo về việc bị nhóm người lạ chiếm giữ một căn nhà của anh tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.
Theo anh Tiển, đầu năm 2018, anh mua nhà đất dạng biệt thự (gồm ba căn liền kề chung một sổ hồng, có cổng độc lập) tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Hai bên đã hoàn tất việc thanh toán, bàn giao nhà và sang tên đổi chủ.
Do chưa có nhu cầu ở, anh Tiển định cho thuê lại cả ba căn. Hai căn trong đó đã có người thuê và chuyển vào ở, còn lại một căn chưa tìm được người thuê.
Ngày 15-4-2018, anh bất ngờ phát hiện căn nhà thứ ba (đang chờ người thuê) đã bị đổi ổ khóa. Bức xúc, anh Tiển yêu cầu Công an phường Hiệp Bình Phước đến chứng kiến anh thuê thợ phá ổ khóa để vào nhà.
Lúc này, người phụ nữ tên NTL đi cùng một nhóm người lạ mặt xuất hiện, tự xưng mình là chủ cả ba căn nhà. Bà L. cho biết mua căn nhà này từ bà K.
Anh Tiển hết sức bàng hoàng vì anh không biết bà L. là ai, anh cũng chưa hề ủy quyền cho bất cứ ai bán ngôi nhà này.
Tiếp đó, công an phường mời cả hai bên đến trụ sở công an để làm việc.
Vụ án sau đó được chuyển đến Công an huyện Thủ Đức để tiếp tục điều tra.
Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm: a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội hai lần trở lên; d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. |