Vụ BS Lương: Luật sư và VKS đối đáp về 'dấu hiệu đầu độc'

Chiều 24-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện VKS và các LS bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty CP dược phẩm Thiên Sơn).

Đáng chú ý, ngoài việc đưa ra các lập luận cho rằng thân chủ của mình vô tội, LS Phạm Quang Hưng tiếp tục đề cập đến vấn đề có “sự bất thường” liên quan đến kết quả giám định tồn dư hóa chất trong hệ thống RO.

Trước đó, phiên tòa ngày 19-1, LS Hưng đưa ra quan điểm có dấu hiệu của vụ án “đầu độc chết người”. Tuy nhiên, sau khi xem xét tài liệu mà LS này cung cấp, HĐXX xác định đây không phải là chứng cứ mới mà chỉ là quan điểm cá nhân của LS.

KSV Bùi Thị Thu Hằng và LS Phạm Quang Hưng tại tòa. Ảnh: TP

Có sự bất thường về tồn dư hóa chất

Tại tòa, LS Phạm Quang Hưng cho rằng mấu chốt trong vụ án này liên quan đến hóa chất. Kết luận giám định của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân các bệnh nhân tử vong là do ngộ độc Florua.

“Vậy khi giải quyết vụ án thì phải tìm ai là người đưa Florua vào cơ thể các nạn nhân để gây ra cái chết” – LS Hưng mở đầu việc giải thích về lập luận của mình.

Ông Hưng nói kết luận giám định cho thấy các nạn nhân bị ngộ độc Florua nhưng cáo trạng của VKS lại cáo buộc do tồn dư hóa chất HF. “Đây là điểm mới, bởi dù nó cũ nhưng không ai phát hiện ra nên vẫn mới” – ông Hưng tự tin.

Theo vị LS này, ông đã tham khảo nhiều giáo sư đầu ngành thì không thể chứng minh từ ba hóa chất mà Bùi Mạnh Quốc sử dụng (HCL, HF và Javen) có thể dẫn tới tồn dư HF.

Hơn thế, trong tất cả kết luận giám định đều không có cụm từ nào nêu về HF, chưa có tài liệu nào xác định trong hệ thống RO hay máy chạy thận có HF, chỉ có duy nhất vật chứng là hai chiếc can đựng ba hóa chất như đã nói ở trên.

Cũng theo LS Hưng, hàm lượng Florua có sự bất thường tại các quả lọc thận. Kết luận giám định tại 19 quả lọc thận cho thấy hàm lượng Florua khác nhau không có logic nào. Bởi theo quy trình thì nồng độ hóa chất phải tịnh tiến tăng hoặc giảm tương đồng.

Trả lời đến đây, chủ tọa ngắt lời LS Hưng, đề nghị những chi tiết cụ thể thì nộp văn bản bổ sung, nếu có nghi vấn, mâu thuẫn gì thì chỉ cần nêu tóm tắt.

Tiếp đó, LS Hưng vẫn khẳng định kết luận giám định mình đưa ra là nguồn chứng cứ, bởi “khi đặt hai nguồn chứng cứ cũ thì tạo thành một chứng cứ kép mới”. Ngoài ra, vị LS cũng cho rằng có sự bất thường về nồng độ Florua trong các máy chạy thận.

“Không thể loại trừ hai chất HF và HCL là Quốc lấy ở BV dùng chứ không phải mang đến. Tôi khẳng định tại BV có nguồn hóa chất nhưng quản lý lỏng lẻo. Tôi không đặt nghi vấn cho ai nhưng biết đâu tồn dư hóa chất từ sự vô ý để lại” – ông Hưng nói.

Vị này còn đề xuất xác định lỗi của cán bộ y tế trong việc sử dụng máy chạy thận vi phạm điều cấm; có hay không nhân tố khác đưa Florua vào máy chạy thận; đề nghị VKS rút cụm từ HF là nguyên nhân gây nên cái chết vì đi ngược với kết luận giám định là Florua.

Khẳng định không có dấu hiệu đầu độc

Đối đáp ngay sau đó, đại diện VKS phản bác quan điểm của LS Phạm Quang Hưng liên quan đến sự bất thường trong tồn dư hóa chất. KSV cho hay từng có quan điểm tranh luận rất rõ ràng với LS Hưng, khẳng định Florua phù hợp với nguồn gốc HF mà Bùi Mạnh Quốc sử dụng.

Nữ KSV cho hay sau khi tiếp cận những quan điểm LS Hưng đưa ra (vào ngày 19-1) và sau quá trình nghiên cứu, bà thấy không chính xác và không khách quan.

Về việc hàm lượng Florua bất thường tại các quả lọc thận, KSV cho rằng việc không đồng đều là phù hợp với thực tế. Điều này phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, trong đó lượng tồn dư có thể thay đổi liên tục khi hệ thống vận hành, hoặc có thể phụ thuộc vào độ dài cắm kim của mỗi bệnh nhân, có người truyền trước, có người truyền sau. Chưa kể, nồng độ Florua còn phụ thuộc vào tỉ lệ trộn giữa nước RO và dung dịch lọc khi tiến hành chạy thận…

“Chúng tôi bác bỏ lập luận nồng độ Florrua trong các quả lọc thận phải tương đồng vì điều này không có cơ sở” – KSV khẳng định.

Đối với quan điểm cho rằng có sự bất thường nồng độ Florua tại các máy chạy thận, đại diện VKS đề nghị các LS xem kỹ lại. Biên bản khám nghiệm hiện trường xác định 19 máy chạy thận nhưng chỉ có 18 bệnh nhân vì một máy bị hỏng. Khi không chạy lọc thận thì nước nhiễm độc RO không thể đi vào. Từ đó có thể xác định nội dung LS Hưng đưa ra là chưa có căn cứ.

“Chúng tôi khẳng định không có dấu hiệu đầu độc như LS nói” – nữ KSV một lần nữa khẳng định.

Đặc biệt, đại diện VKS cũng đối đáp lại quan điểm của các LS khi nói rằng bị cáo Đỗ Anh Tuấn không thuộc chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo KSV, ngay trong chính hợp đồng 315 đã thể hiện sự liên danh liên kết giữa công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.  Ngoài ra, thông tư 15/2017 của Bộ Y tế quy định các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn để liên danh liên kết các dịch vụ tại BV phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người bệnh và các bên đối tác.

“Như vậy công ty Thiên sơn và BV có cùng chung cộng đồng trách nhiệm trong việc hoạt động chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân” – KSV nói.

KSV cũng cho rằng bị cáo Tuấn là người đại diện công ty theo pháp luật, trực tiếp triển khai các nhiệm vụ; khi đã thiếu trách nhiệm trong triển khai công việc thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm