Ngoài ra Nhà máy mía đường Hòa Bình cũng bị đình chỉ hoạt động sáu tháng vì xả thải ra môi trường chưa xử lý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sáng nay (12-5), ông Lê Văn Chinh, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, Thanh Hóa, cho biết Công ty Cổ phần Mía đường Hòa Bình có địa chỉ tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã đồng ý bồi thường hơn 1,4 tỉ đồng cho 34 hộ dân có cá lồng trên sông Bưởi, kéo dài hơn 30 km dọc sông huyện Thạch Thành, bị chết trắng.
Theo ước tính, tổng lượng cá lồng bị chết của các hộ dân là hơn 17,5 tấn sau khi nhà máy mía đường xả thải trực tiếp ra sông Bưởi chưa qua xử lý. Giá đền bù thiệt hại cho người dân có cá chết trong đợt vừa qua theo giá thị trường là 80.000 đồng/kg cá. Cũng theo ông Chinh, toàn bộ số tiền Nhà mía đường Hòa Bình đền bù sẽ được thanh toán chậm nhất vào ngày 18-5 tới đây.
Nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn đốn sau khi Nhà máy mía đường xả thải chưa qua xử lý. Ảnh: Minh Chuyên
Trong một diễn biến khác, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình Nguyễn Trần Anh cùng tổ công tác đã tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi, đồng thời yêu cầu đình chỉ hoạt động sáu tháng đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình để khắc phục hậu quả.
Theo đó, Nhà máy mía đường Hòa Bình đã xả thải chưa qua xử lý ra môi trường và xả thải ra môi trường nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khiến nguồn nước trên sông Bưởi ô nhiễm. Nguồn nước ô nhiễm khiến cá nuôi của người dân suốt dọc hơn 30 km chiều dài qua huyện Thạch Thành chết trắng.
Những hộ dân có cá chết trắng được nhà máy đền bù với 80.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Chuyên
Chiều qua (11-5), ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, trong vụ cá chết trên sông Bưởi, các cơ quan tham mưu về môi trường chưa kịp thời tham mưu các biện pháp để giảm bớt thiệt hại cho người dân, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng khiến hàng chục hộ dân mất trắng tài sản. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nói trên kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cũng theo ông Quyền, UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng vụ cá chết trên sông Bưởi, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng của Bộ TN&MT sớm giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi và sớm có biện pháp hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường sông Bưởi.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ TN&MT làm rõ nguyên nhân, Bộ Công công an xem xét vụ Nhà máy mía đường Hòa Bình xả thải gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân 15 xã thuộc huyện Thạch Thành. Ảnh: Q.HUY
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM thông tin trong khoảng cuối tháng 4-2016 Nhà máy mía đường Hòa Bình đã xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Bưởi, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dọc sông Bưởi. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân 15 xã thuộc huyện Thạch Thành, bảy xã thuộc huyện Vĩnh Lộc và vùng hạ lưu.