Sáng nay (9-4), phiên tòa sơ thẩm xử lại vụ án dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa (Phú Yên) bước sang ngày làm việc thứ ba.
HĐXX dành phần lớn thời gian hỏi ý kiến của đại diện gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), người bị các công an đánh chết ngày 13-5-2012 khi lấy lời khai do nghi liên quan đến các vụ trộm cắp.
"Ai đã ra lệnh bắt em tôi?"
Bà Ngô Thị Tuyết (chị ruột của Kiều) không đồng ý với nhiều nội dung trong cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng việc Công an TP Tuy Hòa phối hợp với Công an huyện Tây Hòa bắt giữ Kiều chỉ sai về thủ tục. Bà Tuyết và các luật sư nhắc lại lời khai của bị cáo Lê Đức Hoàn (thượng tá, nguyên Phó Công an TP Tuy Hòa) tại phiên tòa này là nhiều lần khẳng định không chỉ đạo bắt Ngô Thanh Kiều mà chỉ yêu cầu các cán bộ cấp dưới mời đến Công an TP Tuy Hòa làm việc.
Chị Trần Thị Tâm (vợ nạn nhân) nói họ đưa giấy mời nhưng đến còng tay bắt đi. Ảnh: TẤN LỘC
Chị Trần Thị Tâm (vợ nạn nhân Ngô Thanh Kiều) kể: "Ngày 12-5-2012, Công an xã Hòa Đồng đến nhà tôi đưa giấy mời, mời chồng tôi đến Công an huyện Tây Hòa làm việc vào sáng 13-5-2012. Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Công an xã Hòa Đồng mời làm việc gì thì ông Thắng nói không có chuyện gì quan trọng đâu, chỉ là xô xát ngoài đường cần giải quyết thôi. Chiều 12-5-2012, khi chồng tôi về, tôi đưa giấy mời ra, chồng tôi nói sáng mai sẽ đến công an làm việc như họ mời. Đến 3g sáng ngày 13-5-2012, một nhóm công an, trong đó có ông Nguyễn Văn Thắng đến nhà tôi. Chồng tôi chào hỏi, mời thuốc các anh đàng hoàng nhưng sau đó họ còng tay chồng tôi bắt đi”.
Trong khi đó, bà Tuyết khẳng định em trai mình không có dấu hiệu bỏ trốn. "Khi em tôi về nhà, nghe có giấy mời của công an, nó đến nhà bạn nhờ mai chở đến Công an huyện Tây Hòa. Nhiều nhân chứng đã xác nhận việc này”- bà Tuyết nói và đề nghị HĐXX xem xét các bản xác nhận của những người liên quan đến sự việc.
Bà Tuyết đặt nhiều câu hỏi: “Ông Lê Đức Hoàn khai trong phiên tòa này là không chỉ đạo bắt em tôi. Thế nhưng, vì sao khi thấy em tôi bị còng tay đưa về Công an TP Tuy Hòa, ông Hoàn không hề có ý kiến gì? Nếu em tôi phạm tội, cần bắt khẩn cấp hay tạm giam, tạm giữ, tại sao sau khi còng tay bắt đưa em tôi đưa về, trong ngày 13-5-2012, Công an TP Tuy Hòa không hề ra lệnh bắt hay có quyết định tạm giam, tạm giữ, cũng không hề đến VKS ký phê chuẩn lệnh bắt? Nếu ông Lê Đức Hoàn không ra lệnh bắt thì ai đã ra lệnh bắt em tôi? Hay là những cán bộ cấp dưới của ông Hoàn tự tiện bắt người? Tôi đề nghị HĐXX làm rõ tội bắt giữ người trái pháp luật trong vụ án này. Những người đã bắt giữ em tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Bà Ngô Thị Tuyết (chị nạn nhân Ngô Thanh Kiều) đề nghị giám định pháp y lại. Ảnh: TẤN LỘC
Theo lời khai của nhân chứng Trần Minh Cường (đang là bị án và là chủ mưu trong vụ án trộm cắp tài sản mà Ngô Thanh Kiều là nghi can), ngay sau khi nghe chị Tâm gọi điện báo Kiều đã bị bắt, lúc 7g30 sáng 13-5-2012, Cường đến Công an TP Tuy Hòa đầu thú nhằm “khai trước Kiều”. Theo Cường, do Cường đã dàn xếp và thống nhất trước đó là không khai gì nên trong buổi sáng cùng ngày, những nghi can trong vụ án trộm cắp hầu như chưa khai gì về việc trộm cắp.
Do đó, theo LS bảo vệ gia đình bị hại, tại thời điểm Kiều bị bắt, Công an TP Tuy Hòa chưa có chứng cứ gì để bắt Kiều. Không chỉ gia đình bị hại, LS Nguyễn Văn Thắng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, nguyên trinh sát Công an TP Tuy Hòa) cũng đề nghị HĐXX làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật.
Ngoài ra, bà Tuyết cũng yêu cầu làm rõ, kết luận là em trai bà có tham gia các vụ trộm cắp hay không bởi đến nay chưa hề có một bản án hay chứng cứ nào kết tội Kiều phạm tội trộm cắp tài sản, ngoài lời khai của hai nhân chứng.
Đề nghị giám định lại
Bà Ngô Thị Tuyết cũng không chấp nhận với kết quả giám định pháp y trong vụ án này. Đại diện gia đình bị hại trưng ra trước tòa nhiều bức ảnh chụp khi khám nghiệm tử thi nạn nhân Kiều, đồng thời nêu ra hàng loạt vấn đề cho rằng Trung tâm Pháp y Phú Yên đã cố tình bỏ qua nhằm bao che cho tội phạm hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Theo bà Tuyết, khi chứng kiến khám nghiệm tử thi nạn nhân Kiều, bà thấy trên đầu em bà có nhiều vết thương chứ không chỉ ba vết như kết luận giám định pháp y. “Tôi đề nghị họ mổ em tôi ra để khám nhưng họ không chịu, họ bảo không bị sao đâu. Đến khi chúng tôi yêu cầu gay gắt, họ mới chịu mổ. Khi mổ đầu họ không chịu cạo tóc, khi tôi phản đối họ mới chịu mổ. Khi mổ ra mới thấy trong đầu em mình có rất nhiều vết tụ máu, nhất là ở vùng não”.
Cũng theo bà Tuyết, khi khám nghiệm, bà thấy tinh hoàn em mình bị dập, sưng bầm nhưng pháp y bỏ qua. Khi bà yêu cầu, họ mới chịu khám nhưng không đưa vào kết luận. “Vợ chồng tôi đã thay nhau quay phim đầy đủ khi khám nghiệm. Đề nghị HĐXX cho mở trước tòa để thấy phần lớn lục phủ ngũ tạng của em tôi đều bị tổn thương nặng, tụ máu, nhiều chỗ dập nát”.
Các bị cáo gục đầu khi nghe gia đình bị hại bức xúc trình bày. Ảnh: TẤN LỘC
HĐXX ghi nhận đã có những tài liệu này trong hồ sơ vụ án nên không cho mở tại tòa. Đại diện gia đình bị hại đề nghị cho một cơ quan giám định trung ương giám định vi thể lại toàn bộ nội tạng của nạn nhân để đánh giá chính xác vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm hay làm oan người không có tội.
Về tội danh của các bị cáo, gia đình bị hại không chấp nhận xử tội dùng nhục hình mà đề nghị xử tội giết người. “Trong khi trên thi thể em tôi có đến 72 vết thương nhưng các bị cáo chỉ khai nhận đánh tổng cộng 11 cái. Vậy ai đã gây ra những vết thương tàn nhẫn kia? Các bị cáo không hề có chút ăn năn, hối cải. Gia đình tôi đề nghị HĐXX xử nghiêm minh với mức án cao nhất đối với những người đã gây ra cái chết em tôi”- bà Tuyết nói.