Vụ chặn giữ hai tấn bạch tuộc: Có dấu hiệu lạm quyền?

Hơn 40 hộ dân kinh doanh, khai thác thủy sản tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) đang rất bức xúc vì hai tấn bạch tuộc của họ (trị giá khoảng 800 triệu đồng) đã hư hỏng hoàn toàn do bị lực lượng CSGT và cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương chặn giữ đêm 27-5.

Giữ xe, hàng hóa không có biên bản, quyết định

Nội dung vụ việc như sau: Khoảng 23 giờ ngày 27-5, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương nhận được thông báo của lực lượng CSGT tỉnh này về việc phát hiện xe tải biển số 14C-065.38 đang lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh, chở hơn hai tấn bạch tuộc tươi sống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát môi trường đã yêu cầu đưa xe tải cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính để làm rõ.

Anh Nguyễn Quang Hưng, tài xế xe tải 14C-065.38 chở hai tấn bạch tuộc, kể lại: Về đến bãi giữ xe, anh yêu cầu cảnh sát môi trường lập biên bản tạm giữ phương tiện, hiện trạng hàng hóa nhưng không được chấp nhận. Quá trình làm việc sau đó tại trụ sở Phòng Cảnh sát môi trường, một trung tá tên Thịnh (Đội trưởng Đội 4) cũng không lập biên bản tạm giữ phương tiện, không ghi hiện trạng hàng hóa. Đến khoảng 4 giờ ngày 28-5, Trung tá Thịnh yêu cầu anh Hưng ký vào biên bản làm việc có nội dung là yêu cầu lái xe phải có nghĩa vụ bảo quản lô hàng. Tuy nhiên, anh Hưng không đồng ý vì đến lúc này toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết, mặt khác Phòng Cảnh sát môi trường cũng không có quyết định trả phương tiện, hàng hóa.

Vụ chặn giữ hai tấn bạch tuộc: Có dấu hiệu lạm quyền? ảnh 1

Các hộ dân ở Cần Giờ đang thống kê số lượng bạch tuộc bị hư hại. Ảnh: HT

Thoái thác trách nhiệm

Nhận được điện thoại của anh Hưng, ngày 28-5, khoảng 10 hộ dân đại diện cho các hộ kinh doanh ở Cần Giờ đã có mặt tại Hải Dương và đến Phòng Cảnh sát môi trường khiếu nại yêu cầu bồi thường.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy (đại diện các chủ hàng), bạch tuộc được nông dân ở Cần Giờ vất vả thu gom tự nhiên, tùy từng loại có giá bán từ 300.000 đến 1,3 triệu đồng/kg. Ước tính thiệt hại lô hàng hai tấn bạch tuộc này thấp nhất là 800 triệu đồng. “Xưa nay chúng tôi vận chuyển bạch tuộc đi tiêu thụ không có nơi nào đòi hỏi giấy kiểm dịch cả. Việc cảnh sát môi trường Hải Dương lấy lý do này để giữ xe, đồng thời không lập biên bản, không có quyết định tạm giữ phương tiện, hàng hóa cũng như quyết định trả phương tiện, hàng hóa là trái quy định” - chị Thủy khẳng định.

Ông Đặng Văn Hùng (người có 139 kg bạch tuộc trong chuyến xe trên) cho biết: Khi làm việc với các chủ hàng, Phòng Cảnh sát môi trường thoái thác trách nhiệm bồi thường dựa vào hai lý do: Thứ nhất, xe và hàng hóa đã được đơn vị này trả lại nhưng tài xế không chịu nhận. Thứ hai, lô hàng không có giấy kiểm dịch theo quy định tại Thông tư 06/2010 của Bộ NN&PTNT.

Ông Hùng bức xúc: “Họ chỉ trả xe và hàng hóa khi thấy bạch tuộc đã chết, có dấu hiệu bị phân hủy thì tài xế làm sao dám nhận lại? Còn theo Thông tư 06/2010 mà họ viện dẫn thì bạch tuộc thương phẩm như của chúng tôi không đòi hỏi phải có giấy kiểm dịch”.

Không có dịch bệnh, không phải kiểm dịch

Về mặt pháp lý, luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định trong trường hợp này, lô hàng bạch tuộc thương phẩm của các hộ dân không bắt buộc phải có giấy kiểm dịch.

Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định 33 ngày 13-5-2005 của Chính phủ (về nguyên tắc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật) quy định động vật, sản phẩm động vật dưới nước bắt buộc phải kiểm dịch trước khi đưa ra khỏi huyện trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh tại huyện đó. Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ không xảy ra dịch bệnh đối với bạch tuộc.

Một văn bản dưới luật (có giá trị thấp hơn Nghị định 33) là Thông tư 32 ngày 20-7-2012 của Bộ NN&PTNT quy định bạch tuộc thuộc loại thân mềm phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Tuy nhiên, trước đó chính bộ này đã ban hành Thông tư 06 ngày 2-2-2010 (về trình tự, thủ tục kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản). Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 06 thì thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản chỉ phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong trường hợp “đưa ra khỏi vùng có công bố dịch đối với loài đó của cơ quan có thẩm quyền”...

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Vĩnh (Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM) khẳng định ở huyện Cần Giờ không xảy ra dịch bệnh đối với bạch tuộc nên bạch tuộc thương phẩm không phải kiểm dịch.

Cảnh sát có quyền kiểm dịch?

Ở góc nhìn khác, luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trách nhiệm thực hiện việc kiểm dịch thuộc về cơ quan thú y chứ không phải Phòng Cảnh sát môi trường.

Theo luật sư Nga, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức thành lập dựa trên Quyết định 5687 ngày 28-9-2007 của tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng Công an nhân dân. Theo đó, Phòng Cảnh sát môi trường có chức năng, nhiệm vụ: phối hợp xây dựng văn bản, hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật… về môi trường.

Trong khi đó, điểm b khoản 6 Điều 2 Quyết định 19 ngày 28-1-2008 của Bộ NN&PTNT (về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y) quy định thẩm quyền kiểm dịch động vật (bao gồm cả thủy sản) thuộc về lực lượng thú y. Theo đúng quy trình, khi nhận được tin báo cần kiểm dịch xe chở động vật, lực lượng thú y địa phương phối hợp với lực lượng CSGT để dừng phương tiện vận tải và lực lượng thú y sẽ thực hiện việc kiểm dịch.

“Tôi cho rằng Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương đã vượt quá thẩm quyền cho phép trong trường hợp này. Họ làm sai gây thiệt hại thì phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” - luật sư Nga nói.

Cảnh sát làm sai rồi

Cơ quan thú y cấp huyện chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm thủy sản vận chuyển trong nước tại vùng, cơ sở công bố dịch bệnh thủy sản. TP.HCM không thuộc vùng dịch bệnh thủy sản nên việc Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Hải Dương chặn giữ lô hàng bạch tuộc vì không có giấy đăng ký kiểm dịch là sai quy định. Các chủ hàng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại với lô hàng trên là đúng. Nếu cần thiết, tôi sẵn sàng đứng ra giúp các chủ hàng tranh luận với Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương để đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng.

Ông NGUYỄN TỬ CƯƠNG, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm và thủy sản - Bộ NN&PTNT

Nên nhắc nhở thay vì tạm giữ

Bạch tuộc nằm trong danh mục thủy sản, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch theo Thông tư 32 của Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài quy định xử phạt đối với trường hợp không kiểm dịch. Mặt khác, sản phẩm thủy, hải sản đang được Nhà nước khuyến khích người dân nuôi trồng. Vì vậy đối với sự việc lô hàng bạch tuộc trên, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên nhắc nhở thay vì tạm giữ dài ngày.

Ông PHẠM VĂN TÌNH,Chi cục trưởng Chi cục
Thủy sản Hải Dương

H.TÚ - T.PHƯƠNG - T.NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm