Hôm nay (26-11), TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án chìm tàu xảy ra tại vùng biển thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM khiến chín người chết.
Hai bị cáo trong vụ án là Vũ Văn Đảo (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc) và Đinh Văn Quyết (nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina) bị truy tố tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn theo khoản 3 Điều 214 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tại tòa, bị cáo Đảo không thừa nhận hành vi phạm tội, Đảo cho rằng hành vi trong cáo trạng nêu là suy diễn, quy chụp. Theo bị cáo, Tàu BP12-04-02 là tài sản của Biên phòng nên người có quyền và có thể điều động tàu lực lượng vũ trang chỉ có thể là người của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bị cáo và bị cáo Quyết không có quyền và cũng không thể điều động được tàu của lực lượng vũ trang. Vì không có quyền sử dụng tàu nên ông Đảo cho rằng mình không có hành vi phạm tội.
Theo ông Đảo, bị cáo không chỉ đạo Tạ Thanh Sơn (Giám đốc kinh doanh công ty Việt Séc) mà tự Sơn điện thoại cho ông Tấn (Thuyền trưởng của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu ) hỏi mượn tàu…". Và giả sử nếu bị cáo có quyền điều động tàu thì Sơn đã không cần điện thoại cho ông Tấn mà hỏi ngay Đảo để lấy tàu...
Ông Đảo sau phiên xử buổi sáng. Ảnh: YC
Về phần mình, ông Quyết cho rằng đã năm năm trôi qua bị cáo không nhớ rõ nhưng bị cáo thừa nhận việc đã phân công chỉ đạo ông Phạm Duy Phúc cùng các nhân viên khác sử dụng ba tàu để đi chở 71 người của Công ty PV PIPE...
VKS đề nghị mức án cao nhất là bốn năm tù
Kết thúc phần xét hỏi, VKS phát biểu quan điểm luận tội. Theo VKS, ông Đảo là giám đốc công ty nên biết rõ tàu để tuần tra nhưng lại sử dụng chở khách và chở quá số người vi phạm...
Mặc dù bị cáo Đảo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng căn cứ vào lời khai của Quyết và lời khai của một số đối tượng khác, các lời khai phù hợp với biên bản khám nghiệm phương tiện, biên bản khám nghiệm tử thi và các chứng cứ khác có trong hồ sơ. Vì vậy, đã đủ căn cứ kết tội bị cáo đã phạm tội như cáo trạng quy kết.
Đối với Quyết, nhận được chỉ đạo của bị cáo Đảo nên chỉ đạo các nhân viên chở khách.
Đối với Sơn có tham gia lái tàu đi Tiền Giang nhưng quay lại nên không có căn cứ khởi tố.
Theo VKS, hành vi của bị cáo Đảo và Quyết gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, VKS cũng xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo như: bị cáo Quyết khai báo rõ ràng, bị cáo Đảo đã liên hệ các cơ quan chức năng và những người quen biết để ra sức cứu giúp người bị nạn. Hai bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, đã bồi thường khắc phục hậu quả.
Từ đó, VKS đề nghị xử phạt Đảo từ ba đến bốn năm tù, bị cáo Quyết từ hai đến ba năm tù.
Về vấn đề vợ của Phạm Duy Phúc (người trực tiếp điều khiển tàu gây tai nạn) đề nghị bị cáo Đảo xin lỗi công khai để lấy lại công bằng cho người đã chết.
Luật sư nói thân chủ vô tội
luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo Đảo và Quyết cho rằng hồ sơ vụ án với nhiều bút lục đã chỉ rõ tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu BP12-04-02 đang là tài sản và thuộc quyền quản lý của Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên chỉ có người Biên phòng mới quyền điều động.
Cạnh đó, theo LS trong tất cả các nguyên nhân do CQĐT và VKS viện dẫn thì không có nguyên nhân nào nói về tình trạng kỹ thuật của phương tiện là “rõ ràng không bảo đảm an toàn”. Trong khi đây là yếu tố bắt buộc để xác định có tội phạm theo quy định tại Điều 214 BLHS hay không,..
Người đàn ông bị mời ra khỏi phòng xử vì liên tục vỗ tay. Ảnh: YC
Đáng chú ý, tại phiên tòa có rất nhiều người tham dự. Sau khi bị cáo Đảo cũng như các LS bào chữa phát biểu quan điểm thì có nhiều người dự khán vỗ tay rất to.
HĐXX nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng vẫn lặp lại. Đến lần thứ 3 thì HĐXX đã nhờ cảnh sát tư pháp mời một người đàn ông ra khỏi phòng xử.
Buổi chiều phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận....