Ngày 21-3, TAND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) mở phiên xử sơ thẩm lần hai vụ bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích xảy ra tại Công an xã Vạn Long. Trong ngày xét hỏi đầu tiên, HĐXX đã tập trung làm rõ các vấn đề tòa phúc thẩm yêu cầu khi tuyên hủy án sơ thẩm lần đầu để điều tra lại.
Dùng mũ bảo hiểm ném hay đánh nạn nhân?
Cáo trạng mới của VKSND huyện Vạn Ninh vẫn truy tố hai cựu công an viên xã Vạn Long là Lê Minh Phát (26 tuổi), Lê Ngọc Tâm (33 tuổi) về tội bắt người trái pháp luật. Ngoài ra, cùng với Lê Tấn Khỏe (SN 1999, ngụ xã Vạn Long), Phát còn bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Cáo trạng xác định: Khỏe là người đã dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng người em Tu Ngọc Thạch (SN 1999, học sinh lớp 9, ngụ xã Vạn Thọ). Còn Phát, Tâm đã vô cớ bắt em Thạch, sau đó Phát liên tục đánh em này dẫn đến tử vong.
Lần đầu tiên tại phiên tòa, Phát khai đã dùng mũ bảo hiểm ném trúng lưng em Thạch khi đang rượt đuổi em này dưới ruộng nước. HĐXX viện dẫn lại bản án phúc thẩm, trong đó nêu cấp sơ thẩm trước đây không điều tra, kết luận các vết nứt trên mũ bảo hiểm cũng như Phát có sử dụng mũ bảo hiểm đánh em Thạch hay không, không xem chiếc mũ bảo hiểm của Phát thu giữ tại hiện trường là vật chứng vụ án. Do đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhiều lần hỏi Phát có dùng mũ bảo hiểm đánh em Thạch hay không thì Phát khai chỉ ném trúng vào lưng em Thạch chứ không đánh.
Trong khi đó, các luật sư của gia đình người bị hại viện dẫn lời khai của bốn nhân chứng đều khẳng định trước khi chết, em Thạch có trăng trối là sau khi ông Huỳnh Trung Thắng (Phó Công an xã Vạn Phước) kéo em Thạch ra từ bụi cây ra, Phát đã dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu em này.
Chủ tọa phiên tòa đưa ra hình ảnh hiện trường, vị trí thu giữ chiếc mũ bảo hiểm, các nơi Phát rượt đuổi, bắt, đánh em Thạch để phân tích; qua đó cho thấy có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của Phát.
Lần đầu tiên HĐXX triệu tập một giám định viên tham gia phiên tòa để phân tích cơ chế hình thành thương tích của nạn nhân, chủ yếu là trên đầu. Trích dẫn các tài liệu khám nghiệm tử thi, giám định viên (BS Phạm Xuân Thông, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa) khẳng định ba vết tụ máu dưới màng cứng bên phải vùng đỉnh đầu nạn nhân đều do cùng một vật tày gây ra.
Ba bị cáo Lê Ngọc Tâm, Lê Minh Phát, Lê Tấn Khỏe (từ trái qua) tại phiên tòa. Ông Huỳnh Trung Thắng (Phó Công an xã Vạn Phước), người trực tiếp cùng Phát, Tâm bắt em Thạch. Ảnh: T.LỘC
Phát cũng khai nhận đã liên tục dùng tay, chân đánh, đạp em Thạch từ khi bắt được đến khi đã đưa về trụ sở công an xã. Chủ tọa phiên tòa công bố các tài liệu cho thấy ngay sau khi ông Huỳnh Trung Thắng giao em Thạch cho Phát, Phát còng tay em này lại rồi nhào vô đấm, đạp. Trên đường chở em Thạch về trụ sở Công an xã Vạn Long, Phát cũng đánh. Đến khi làm việc tại công an xã, dù có sự chứng kiến của một số người, Phát vẫn tiếp tục đánh. Khi em Thạch ngã xuống đất, Phát kéo lên đánh tiếp. Các luật sư viện dẫn lời khai nhân chứng cho thấy khi có người can ngăn, Phát nói: “Thằng này là đối tượng cướp của, giết người, hiếp dâm, đừng can ngăn!”.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao lại đánh em Thạch?”. Phát trả lời: “Do bứt rứt vì Thạch bỏ chạy!”. Chủ tọa nói tiếp: “Bứt rứt gì mà đánh đập tàn bạo một em nhỏ không sai phạm gì như vậy? Có phải bị cáo nghĩ cứ làm công an là được quyền đánh người như thế? Rõ ràng bị cáo hung hăng quá, xem thường tính mạng người khác quá!”.
Phát cũng thừa nhận mình từng đoạt nhiều huy chương môn quyền Anh song cho rằng chưa hề được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ công an.
Các luật sư: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Bản án phúc thẩm trước đây yêu cầu khi điều tra lại phải làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật với vai trò đồng phạm của ông Huỳnh Trung Thắng nhưng cáo trạng mới của VKSND huyện Vạn Ninh vẫn kết luận không xử lý Thắng về hành vi này.
Tại phiên tòa, bị cáo Tâm khai: Khi biết em Thạch hoảng sợ bỏ chạy qua xã Vạn Phước, Tâm đã gọi điện thoại cho ông Thắng đề nghị hỗ trợ bắt giữ em Thạch. Phát thì khẳng định chính ông Thắng đã chở Phát đi tìm em Thạch. Khi nghe em Thạch vào nhà dân để trốn, ông Thắng cùng Phát vào một số nhà lùng sục. “Khi phát hiện Thạch đang núp trong bụi cây ven quốc lộ 1, ông Thắng vào bắt, kéo ra rồi giao cho bị cáo. Một tay ông Thắng cầm tay Thạch, một tay cầm vai, giữ Thạch lại để bị cáo dùng còng số 8 còng tay Thạch chéo ra sau lưng” - Phát kể.
Cáo trạng cho rằng ông Thắng tham gia bắt em Thạch theo quy chế phối hợp giữa công an các xã, chỉ giao đối tượng để xử lý theo thẩm quyền. Các luật sư đã viện dẫn quy chế phối hợp giữa công an các xã do Công an huyện Vạn Ninh ban hành, qua đó khẳng định việc bắt người của ông Thắng là trái quy định vì chưa được phép của tổ công tác công an các xã. Các luật sư cũng viện dẫn lời khai các nhân chứng cho biết ông Nguyễn Văn Hòa (Trưởng Công an xã Vạn Long) đã chỉ đạo Phát chỉ được thả em Thạch ra khi có người bảo lãnh.
Khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Lý do gì mà bắt, còng tay em Thạch đưa về trụ sở công an xã trong khi em này không hề có sai phạm gì?” thì cả hai bị cáo Phát, Tâm đều không trả lời được. “Ai cho các anh quyền đi bắt người vô cớ như vậy? Cứ nghĩ làm công an, quyền mình lớn quá nên làm như vậy phải không?” - thẩm phán chủ tọa tiếp tục truy xét.
Hôm nay (22-3), phiên tòa tiếp tục.
Mẹ nạn nhân vừa khóc vừa chạy ra ngoài Khi nghe Phát tường trình lại quá trình đuổi bắt, liên tục đánh đập em Thạch, cả trăm người dự khán phiên tòa đều bày tỏ sự phẫn nộ, uất ức. Bà Nguyễn Thị Độc Lập (mẹ em Thạch) liên tục khóc ngất khi nghe Phát kể chi tiết từng cú đấm, cái đạp vào người con mình. Đến khi giám định viên thuật lại quá trình khám nghiệm tử thi cũng như phân tích chi tiết các thương tích trên thi thể em Thạch, bà Lập vừa khóc vừa chạy ra ngoài vì không chịu nổi sự đau đớn. Mẹ em Thạch đau đớn khi nghe kể lại việc con mình bị đánh đập tàn bạo. Ảnh: T.LỘC Tại phiên tòa này, Phát - người từng đạp ghế tòa án sau khi tòa sơ thẩm lần đầu tuyên án trước đây - đã không còn vẻ lạnh lùng như trước. Dáng vẻ gầy hơn, khuôn mặt Phát hay tỏ ra căng thẳng, lo lắng trước các câu hỏi, sự việc liên quan đến mình. |