Hai người cháu này là bà Lê Thị Thái Hằng và ông Lê Cao Thái Dương, hiện ngụ ở Mỹ. Họ được cụ Háo cùng em ruột là Lê Thị Chỉnh (đã mất năm 2012) lập di chúc chuyển giao toàn bộ diện tích đất ở cùng ngôi nhà 18 Bạch Đằng từ năm 2006.
Trong đơn, bà Hằng và ông Dương yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên bố vô hiệu các văn bản do Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ - Phạm Tuấn công chứng, gồm văn bản khai nhận di sản thừa kế, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền đất từ cụ Lê Thị Háo sang ông Nguyễn Hoàng Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Khánh Hòa.
Gia đình cụ Lê Thị Háo đến VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn làm thủ tục xác nhận cùng yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản mà VPCC này đã công chứng. Ảnh: TẤN LỘC
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Hằng nói: “Chúng tôi nhận thấy việc yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu các VBCC liên quan đến nhà, đất 18 Bạch Đằng là phải làm ngay để bảo vệ quyền lợi về tài sản theo di chúc hợp pháp nêu trên. Sau khi có quyết định của tòa án, chúng tôi mới có cơ sở đề nghị UBND TP Nha Trang thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận nhà, đất cấp không đúng pháp luật cho cụ Háo và đã sang tên ông Trung”.
Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Trung đã có văn bản nêu rõ: “Sau khi làm việc với đại diện gia đình bà Lê Thị Háo và luật sư trợ giúp pháp lý của gia đình bà Háo, tôi được biết có di chúc công chứng năm 2006 liên quan đến nhà, đất 18 Bạch Đằng. Do đó, tôi đồng ý yêu cầu tòa án tuyên bố các văn bản đã công chứng là vô hiệu theo quy định của pháp luật”. Công chứng viên Hoàng Thị Huệ (VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn) cũng có văn bản thống nhất cùng các bên liên quan yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu đối với các văn bản mà công chứng viên này đã chứng thực.