Ngày 16-8, Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Hoàng Trung, 37 tuổi, cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh Khánh Hòa, để tiếp tục làm rõ những điều đáng ngờ trong vụ cụ Lê Thị Háo (81 tuổi, ngụ 18 Bạch Đằng, phường Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa) tố cáo bị người khác lừa lấy mất ngôi nhà ba tầng của mình tại địa chỉ trên.
“Tôi trực tiếp đi làm giấy tờ”
Ông Trung xác nhận vừa mua ngôi nhà của cụ Háo và đã trực tiếp đi làm nhiều thủ tục giấy tờ liên quan tới giao dịch này.
Theo ông Trung, ban đầu thấy trong giấy chứng nhận nhà, đất (GCN) ghi cụ Lê Thị Háo và người em ruột là Lê Thị Chỉnh đồng đứng tên sở hữu, ông đưa ra yêu cầu chỉ mua nhà chính chủ. Tới khi có “văn bản khai nhận tài sản thừa kế”, ghi nội dung cụ Háo là người thừa kế duy nhất của cụ Chỉnh với tài sản là ngôi nhà trên, ông Trung trực tiếp mang văn bản này đến UBND phường Phước Tiến để làm thủ tục niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường từ ngày 9 đến 24-7.
Sau khi đủ thời gian niêm yết, ông Trung đến UBND phường lấy giấy tờ, đem đến Văn phòng công chứng (VPCC) Hoàng Huệ - Phạm Tuấn (26 Hai Bà Trưng, TP Nha Trang) chứng thực vào ngày 25-7. Tiếp đó, ông Trung cũng trực tiếp mang hồ sơ đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Nha Trang để làm lại GCN chỉ còn mình tên cụ Háo. Ba ngày sau, chính ông Trung đến nhận GCN mới, đem đến VPCC trên đưa cho cụ Háo rồi làm hợp đồng chuyển nhượng ngay trong ngày này.
Sáng 16-8, người thân đưa cụ Lê Thị Háo đến chi nhánh VPĐKĐĐ để yêu cầu sao lục hồ sơ làm lại GCN mới ngôi nhà của cụ. Ảnh: TẤN LỘC
“Tôi phải hỗ trợ cho cụ Háo mới làm giấy tờ được nhanh như vậy!” - ông Trung nói đồng thời khẳng định tất cả lần làm thủ tục, mua bán ngôi nhà đều có mặt bà Trương Thị Tín, người giúp việc của cụ Háo. “Không có bà Tín thì không làm được gì hết vì không ai dìu cụ Háo đi được, không ai làm chứng” - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, ông mua ngôi nhà của cụ Háo với giá 3,5 tỉ đồng. Trước khi làm hợp đồng chuyển nhượng, ông đã đưa cho cụ Háo và bà Tín 150 triệu đồng. “Làm hợp đồng xong, ngay trong ngày 28-7, tôi đến nhà giao 3,35 tỉ đồng còn lại cho cụ Háo và bà Tín. Họ đòi tiền mặt nên tôi giao tiền mặt tại nhà cho họ luôn. Giấy giao nhận tiền do hai người cùng ký đã được VPCC chứng thực” - ông Trung nói.
Tuy nhiên, trao đổi với PV vào chiều 16-8, bà Hoàng Thị Huệ, công chứng viên VPCC Hoàng Huệ - Phạm Tuấn, tiếp tục cho rằng không biết gì việc giao nhận tiền của hai bên mua bán nhà vì hai bên tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm, công chứng viên không liên quan. Khi PV đề nghị cho xem văn bản niêm yết khai nhận thừa kế của cụ Háo trước khi công chứng, bà Huệ từ chối cung cấp với lý do chỉ cung cấp cho cơ quan điều tra. Bà Huệ cũng nói không nhớ ai là người đến UBND phường làm thủ tục niêm yết này.
Vì sao trong hợp đồng chuyển nhượng ghi đến ngày 20-8-2017 bên bán mới giao nhà cho bên mua?Ông Trung trả lời: “Cụ Háo nói xin cho ở qua tết, năm sau hẵng lấy nhà. Tôi đồng ý vì chưa có nhu cầu lấy nhà để ở”. Ông Trung hứa ngay sau khi về lại Nha Trang vào ngày 18-8, ông sẽ cung cấp cho PV đầy đủ các giấy tờ liên quan đến việc mua nhà. “Tôi không hiểu vì sao bây giờ họ lại lật ngược như vậy!” - ông Trung nói và cho biết hiện ngôi nhà 18 Bạch Đằng đã đứng tên sở hữu của ông.
Cụ Háo không có nhu cầu bán nhà
Liên lạc với PV, hai cháu ruột của cụ Háo ở nước ngoài (cũng là hai người được chị em cụ Háo cùng lập di chúc để lại ngôi nhà 18 Bạch Đằng từ năm 2006) khẳng định cụ và gia đình hoàn toàn không có nhu cầu hay ý định bán ngôi nhà trên. Theo nhiều người thân với cụ Háo, hai cháu của cụ ở nước ngoài có kinh tế khá giả, thường xuyên gửi tiền về cho cụ. Hiện trong tài khoản của cụ đang có số tiền khá lớn nên cụ hoàn toàn không có nhu cầu bức thiết về tiền bạc.
Trong ngày 16-8, PV cũng liên lạc được với bà Trương Thị Tín. Qua điện thoại, bà Tín thừa nhận có vay 150 triệu đồng của một phụ nữ tên Liên để chữa bệnh. Do bà Liên yêu cầu phải có tài sản thế chấp nên bà Tín mượn GCN của cụ Háo để thế chấp vay tiền, khi có tiền trả sẽ chuộc lại GCN.
“Tôi chỉ đưa giấy tờ cho bà Liên, đồng thời có đưa cụ Háo đến VPCC một lần để nhờ xác nhận cho tôi mượn tiền. Tôi không biết gì về bản di chúc cụ Háo để lại ngôi nhà cho tôi. Tôi cũng không biết gì việc bán nhà, cũng không biết ông Trung là ai. Tôi cũng bị lừa” - bà Tín nói.
Pháp Luật TP.HCM sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong số báo tiếp theo.
Hẹn một tuần mới sao lục được hồ sơ Sáng cùng ngày, người thân đã đưa cụ Háo đến Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang yêu cầu sao lục hồ sơ làm lại GCN mới ngôi nhà của cụ. Họ cũng yêu cầu cơ quan trên cung cấp danh tính người đến làm hồ sơ và nhận GCN mới của cụ Háo. Tuy nhiên, Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang hẹn một tuần sau mới có thể sao lục được hồ sơ. Khi PV hỏi vì sao GCN mới của ngôi nhà của cụ Háo được làm quá nhanh, chỉ trong ba ngày thì lãnh đạo Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Nha Trang không trả lời mà yêu cầu PV... tự tìm hiểu quy định. Trong khi một nhân viên của chi nhánh cho biết đối với trường hợp làm lại GCN như cụ Háo, nhanh nhất phải một tuần mới có thể giao giấy tờ cho người dân. |