Chiều 26-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) tiếp tục. Chủ tọa chuyển sang thẩm vấn về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Bị cáo Phan Minh Tùng (Phụ trách tổ tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh) bị cáo buộc là đồng phạm, giúp sức cho Danh rút tiền tỉ từ các hoạt động cho vay thừa nhận việc bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo khoản 3 Điều 179 BLHS là chính xác.
Tùng khai tham gia làm báo cáo tài chính cho công ty không đúng sự thật. Tùng cũng đứng tên tài khoản trên danh nghĩa và rút tiền theo yêu cầu của cấp trên. Việc mình làm không đúng với nghiệp vụ kế toán, Tùng thừa nhận.
Theo hồ sơ, từ chỉ đạo của Danh, Tùng là người thực hiện việc lập báo cáo tài chính không có thật và hoàn thiện hồ sơ không đúng sự thật đối với Công ty Nhất Nhất Vinh, vay 420 tỉ đồng của VNCB để Danh sử dụng trái quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Sau khi đối trừ tài sản đảm bảo, số tiền đã cho vay không có khả năng thu hồi đối của Công ty Nhất Nhất Vinh, gây thất thoát cho VNCB là hơn 241 tỉ đồng.
Còn bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (Giám đốc Công ty Thịnh Quốc) khai từ nhân viên bảo vệ của Tập đoàn Thiên Thanh được Danh “nhờ” đứng tên giám đốc với lương hằng tháng 5 triệu đồng sau này 10 triệu đồng. Con dấu chứng từ của công ty, Thịnh không được sở hữu. Và Thịnh ký vào bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến Công ty Thịnh Quốc theo yêu cầu. Do là giám đốc "bù nhìn", Thịnh đã giúp sức cho Danh và đồng phạm vay trái pháp luật 370 tỉ đồng của VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 268 tỉ đồng.
Bị cáo Nguyễn Minh Quân cũng là nhân viên bảo vệ được Danh “nâng tầm” lên làm giám đốc Công ty An Phát để rút số tiền 63 tỉ đồng của VNCB trong việc làm hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking.
Tương tự, một số giám đốc công ty được thành lập vào khoảng thời gian từ tháng 6-2012 đều đặt bút ký các hợp đồng để “rút” tiền của VNCB mà không có chút thắc mắc, không biết số tiền vào tài khoản công ty rồi chuyển đi đâu. Tất cả đều không biết công ty hoạt động lĩnh vực gì, con dấu, giấy phép kinh doanh do Tập đoàn Thiên Thanh nắm giữ. Các giám đốc bù nhìn này đa số là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, người làm bảo vệ, người làm rửa xe…
Còn giám đốc Công ty Đại Hoàng Phương, bị cáo Bùi Thị Hà Thu cho là mình phạm tội do tin tưởng và cũng là lòng trung thành với Tập đoàn Thiên Thanh. Và lúc đó chủ tịch HĐQT VNCB Danh có nói “Anh dùng các em trong thời gian ngắn, xong việc rồi anh cơ cấu lại tất cả, không để các em liên lụy”. Cùng hầu tòa với Thu còn có chồng, vốn là họa sĩ, đứng tên giám đốc một công ty từ việc được nhờ thì “giúp”. Tiền trả cho vị trí giám đốc vợ anh ta nhận thay.....
Phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày mai