Vụ “đi tè bị quy tội cướp”: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Sáng 26-11, HĐXX TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ cướp tài sản. Tòa cho biết qua diễn biến tại tòa, cần làm rõ một số tình tiết nên trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không nói rõ những tình tiết cần làm rõ là tình tiết nào, cũng như không nêu rõ những yêu cầu cụ thể cần điều tra bổ sung là gì.

Ra tòa khai bị đánh

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Uống và Sỹ bị cáo buộc đêm 5-12-2012 đã cùng với hai người nữa sau khi nhậu xong thì rủ nhau cầm cây chặn đường cướp xe. Phát hiện anh Quyền đang chạy xe từ xa đến, nhóm xông ra định đánh. Anh Quyền hoảng quá quay đầu xe bỏ chạy thì bị ném cây theo nhưng không trúng.

Tại tòa, khi đã được tòa cho cách ly, cả hai bị cáo đều phủ nhận cáo trạng và khai rất thống nhất nhau. Uống khai sau khi nhậu tại chỗ làm, Uống cùng hai bạn đi hóng mát, cởi áo khoác trên vai, không cầm theo cây tầm vông hay bất kỳ thứ gì, cũng không có ý định chặn xe cướp như cáo trạng quy kết. Còn Sỹ thì khai nhậu xong ba người kia đi tè, gần đến giờ ra lò Sỹ ra ngoài gọi họ vào thì bị đám đông ào đến đuổi bắt nên hoảng quá phải chạy, sau này mới biết đó là công an và dân phòng đi bắt cướp theo lời trình báo của anh Quyền.

Vụ “đi tè bị quy tội cướp”: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung ảnh 1

Bị cáo Trần Văn Uống (trái) và Khưu Khánh Sỹ tại tòa. Ảnh: PL

Cả hai còn khai tại Công an xã Lê Minh Xuân, họ bị đánh đau quá nên buộc phải viết theo bản tự khai nhận tội có sẵn, buộc phải ký tên vào biên bản ghi lời khai mà cán bộ đã viết sẵn…

Tại phiên xử ngày 19-11, anh Phan Thanh Quyền - người được cơ quan tố tụng xác định là người bị hại trong vụ án đã không có mặt tại tòa. Luật sư đề nghị hoãn xử để triệu tập anh Quyền đến tòa nhằm làm rõ hành vi của các bị cáo nhưng tòa không chấp nhận vì người bị hại “sợ bị trả thù nên không dám đến”. Sau khi tranh luận, tòa tuyên bố nghị án kéo dài và dự kiến ngày 26-11 sẽ tuyên án. Đến ngày 26-11, tòa đã triệu tập anh Quyền nhưng anh không đến.

Tòa: “Bị cáo khai báo gian dối”

Sáng 26-11, tòa tuyên bố quay lại phần xét hỏi. Tòa hỏi hai bị cáo phần liên quan đến việc bỏ chạy và núp khi bị truy đuổi. Hai bị cáo diễn lại việc núp thì tòa bảo bị cáo khai gian dối, lời khai không được chấp nhận…

Đến phần tranh luận, luật sư nhắc lại những vi phạm trong điều tra như chưa cho dựng lại hiện trường, chưa cho đối chất và nhận dạng... VKS không tranh luận mà bảo lưu quan điểm truy tố và buộc tội. Tòa nghị án, sau đó tuyên bố trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Điều lạ của vụ án là cơ quan tố tụng không thu được cây tầm vông nào nhưng cáo trạng lại quy buộc hai bị cáo dùng ba cây tầm vông là phương tiện nguy hiểm để cướp xe. Biên bản bắt người phạm tội quả tang lại được lập sau khi bắt giữ hai bị cáo hơn 15 tiếng đồng hồ và cũng không ghi nhận được sự việc quả tang gì ngoài lời trình báo của anh Quyền và lời khai nhận ban đầu của hai bị cáo. Người bị hại khai nhìn thấy hai thanh niên nên đoán là cướp và đi báo dân phòng. Trong khi đó, cáo trạng quy kết đến bốn người, trong đó có Sỹ và Uống.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (người quản lý cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nơi hai bị cáo làm thuê) khẳng định hôm đó còn có anh Sơn và ông Sáu chứng kiến việc hai bị cáo ngồi nhậu, sau đó anh Sơn nói Sỹ ra kêu bạn vào để ra lò (làm việc) thì bị đám đông rượt bắt. Lời khai của bà Lệ, của Uống và của Sỹ cho thấy hôm đó Sỹ không hề ra đường để đi tè như Uống và hai người bạn còn lại. Nhưng rồi Sỹ vẫn bị bắt.

▲▲▲

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định cáo trạng buộc tội bằng hai nguồn lời khai là lời khai của người bị hại và lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra là hết sức khiên cưỡng, dễ dẫn đến oan sai. Đặc biệt, người bị hại chỉ “đoán là cướp”, mà việc đoán thì có thể nhầm lẫn nên nếu dùng lời khai này để buộc tội là không xác đáng. Tại tòa, hai bị cáo dù được cách ly nhưng vẫn khai báo rất thống nhất với nhau nên rất đáng để tin cậy, có thể sử dụng làm chứng cứ.

Phóng viên bị buộc xóa ảnh

Tại phiên tòa sáng 26-11, trong phần tranh luận, vị đại diện VKSND huyện Bình Chánh nói sẽ có ý kiến bằng văn bản gửi đến báo Pháp Luật TP.HCM để làm rõ về hai bài báo (mà báo đã đăng tải phản ánh về vụ án).

Đến khi tòa nghị án (giao hai bị cáo cho công an), PV trình thẻ và xin phép cảnh sát bảo vệ tư pháp chụp ảnh hai bị cáo. Được đồng ý, PV chụp ảnh. Sau đó, chủ tọa xuất hiện và yêu cầu tất cả PV mang hết tài liệu hồ sơ cùng máy ảnh ra ngoài phòng xử để lập biên bản. Chủ tọa yêu cầu PV xóa hết hình ảnh vừa chụp và nói khi HĐXX vào lại phòng xử sẽ cho PV chụp. PV xóa ảnh xong, chủ tọa lại nói muốn chụp ảnh thì đi xin chánh án. PV nêu ý kiến theo quy định, chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định việc này nhưng chủ tọa vẫn nói phải xin ý kiến chánh án…

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm