Nóng trong tuần

Vú heo trôi nổi thành nầm bò: Ai phải chịu trách nhiệm?

(PLO)- Bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở ăn uống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc tương tự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong tuần qua, loạt bài điều tra “Vú heo trôi nổi thành nầm bò quán nhậu” do PV Pháp Luật TP.HCM thực hiện đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

PV đã ghi nhận thực tế tại các kho hàng, quán ăn trên địa bàn TP Đà Lạt, TP Đà Nẵng chuyên cung cấp, tiêu thụ vú heo Trung Quốc, vú heo trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chế biến và bán cho thực khách.

Qua những thông tin từ Pháp Luật TP.HCM, cơ quan Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) và Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã kiểm tra, thu giữ cả tấn vú heo, dồi trường tại các quán ăn, kho hàng ở hai địa phương này.

Một số bạn đọc cho rằng đây là hồi chuông báo động về vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, quản lý các địa điểm kinh doanh ăn uống để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc tương tự.

Bạn đọc cũng nêu ý kiến về việc để xảy ra tình trạng như báo chí đã nêu thì ai, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?

Những bài báo được đăng tải trong tuần về tình trạng vú heo trôi nổi thành nầm bò quán nhậu của Pháp Luật TP.HCM.

Những bài báo được đăng tải trong tuần về tình trạng vú heo trôi nổi thành nầm bò quán nhậu của Pháp Luật TP.HCM.

Nhớ lại vẫn còn sợ

Bạn đọc Thanh Mỹ bình luận: “Làm việc gì cũng cần phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, kinh doanh thực phẩm thì đạo đức kinh doanh phải càng được coi trọng. Đọc xong loạt bài của Pháp Luật TP.HCM, tôi không thể tưởng tượng nổi các chủ quán ăn có thể vô lương tâm đến như vậy. Họ vì lợi nhuận mà có thể chế biến những phế phẩm thành thức ăn cho thực khách của mình. Có thể lúc mới ăn loại thức ăn bẩn này, thực khách chưa bị ảnh hưởng ngay. Thế nhưng về lâu dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên xử lý mạnh tay với các chủ quán này để làm gương”.

“Tôi và các bạn của mình cũng từng đến một trong những quán ăn mà báo chí đã nêu. Lúc ấy, tôi cũng gọi món vú heo. Quả thật, món này khi nướng rất hấp dẫn thực khách và trong đầu tôi cũng có ý định quay lại. Thế nhưng, giờ biết được quán mà mình từng ăn lại kinh doanh thực phẩm bẩn như vậy, nhớ lại vẫn còn sợ. Cảm ơn Pháp Luật TP.HCM đã kịp thời thông tin để người dân cảnh giác hơn khi chọn quán ăn, uống. Theo tôi, ngoài việc xử lý chủ quán thì cần xem xét thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi theo tôi, nếu các cơ quan chức năng ở địa phương quản lý tốt thì những thực phẩm bẩn như thế này không thể lọt vào quán ăn được” - bạn đọc Trần Anh chia sẻ.

Bạn đọc Nguyễn Thuận nêu: “Báo chí lên tiếng về đường dây cung cấp vú heo lậu nhập khẩu từ Trung Quốc là rất kịp thời nhưng chưa biết chính xác đầu mối nhập khẩu bắt đầu từ đâu, ai là người đứng đầu đường dây này. Mong rằng sau những thông tin này, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra làm rõ những thông tin mà báo chí đã nêu. Làm rõ việc có hay không sự thiếu quản lý của cơ quan chuyên môn, để thực phẩm bẩn tràn lan ra thị trường. Để sự việc xảy ra trong thời gian dài như vậy thì phải có người nào hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm, chứ không chỉ nêu lên rồi thôi. Có như vậy mới ngăn chặn triệt để tình trạng này, người dân mới an tâm về bữa ăn của mình”.

Kinh doanh thực phẩm bẩn ngoài việc bị phạt hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự nếu việc bán thực phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc gây nên những hậu quả nghiêm trọng.

Kinh doanh thực phẩm bẩn có thể bị xử lý hình sự

Liên quan đến vấn đề kinh doanh vú heo, nội tạng heo không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, luật sư Nguyễn Tiến Hiểu, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020 (được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022) có giải thích hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Điều 17 Nghị định 98/2020 có quy định hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa (hàng hóa là thực phẩm) không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Theo đó, tùy vào giá trị của hàng hóa mà người kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

Mặt khác, tại Điều 18 Nghị định 115/2018 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021) quy định về hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Cụ thể, trường hợp cơ sở kinh doanh phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà không có thì bị xử phạt 20-60 triệu đồng.

“Kinh doanh thực phẩm bẩn ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự nếu việc bán thực phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, tại Ðiều 317 BLHS có quy định tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, người nào sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đến dưới 100 triệu đồng sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm…” - luật sư Hiểu cho biết thêm.•

Đà Lạt xử phạt nhiều quán ăn vi phạm
an toàn vệ sinh thực phẩm

Thông tin từ UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng), từ cuối tháng 6 đến nay, cơ quan này đã xử phạt 11 cơ sở kinh doanh, quán ăn vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các lỗi vi phạm chủ yếu là không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; không có dụng cụ thu gom thức ăn, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh… Cụ thể, Chi nhánh Đà Lạt - Công ty cổ phần Đại Dương (đường Hai Bà Trưng) bị phạt 12 triệu đồng vì nơi chế biến có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập và không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực ba bước. Quán phở Bằng (đường Nhà Chung) bị phạt tổng cộng 13 triệu đồng vì không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh và kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Quán Ghiền BBQ Đà Lạt (đường Huỳnh Thúc Kháng) bị phạt tổng cộng 6 triệu đồng vì không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải đảm bảo vệ sinh và không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.

Một diễn biến khác, Công an TP Đà Lạt cho biết cơ quan này đang tham mưu UBND TP Đà Lạt ra quyết định xử phạt chủ quán ăn Bò tơ Đà Lạt ở 118 Hùng Vương. Đồng thời tiếp tục kiểm tra, xác minh hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ của 104 mặt hàng của Công ty Việt Hà Tây Nguyên và Công ty Khủng Long Sữa.

MINH HẬU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm