Sáng 15-1, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Trương Quý Dương, cựu giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trước bục khai báo, ông Dương cho biết việc sửa chữa, hoàn thiện hệ thống RO nằm trong kế hoạch, được xây dựng kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở đó, bị cáo chỉ đạo các phòng ban đưa vào kế hoạch sửa chữa. Khi thấy hoạt động yếu hơn bình thường đã yêu cầu mời các kỹ thuật xem xét, đánh giá, đề nghị sửa chữa, khắc phục.
“Việc sửa chữa là nằm trong kế hoạch để hoạt động tốt hơn chứ trên thực tế hệ thống RO số 2 chưa hỏng” – bị cáo nói.
Trả lời câu hỏi có biết ai là người đề xuất, lý do, có nắm được việc sửa chữa hay không? Cựu giám đốc BV khẳng định nắm rất rõ, đầu tiên là đề xuất phòng vật tư, sau khi phòng vật tư đánh giá xong thì đưa vào kế hoạch quý rồi trình lên phó giám đốc, sau đó bị cáo phê duyệt.
Theo ông Dương, trách nhiệm chung, tổng quát thì của mình, nhưng trách nhiệm trong từng phần việc thì thuộc về các phòng, ban chuyên môn phụ trách. Cụ thể, việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế tại BV thuộc trách nhiệm của Phòng vật tư; còn việc quản lý sử dụng thì thuộc Khoa Hồi sức tích cực.
Đối với việc ký hợp đồng 315 với công ty CP Thiên Sơn, ông Dương khai rằng tại giai đoạn chuẩn bị bước đầu, bị cáo giao cho phòng Vật tư và phòng Tài chính kế toán thương thảo, sau này ký kết thì bị cáo mới trao đổi trực tiếp.
Trong hợp đồng, phía BV đưa ra các yêu cầu sửa chữa, thu được sản phẩm đủ an toàn để bộ phận chuyên môn vận hành; có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và nghĩa vụ tài chính với công ty. Sau khi ký kết, bị cáo đã giao cụ thể cho hai phòng đầu mối ở trên chịu trách nhiệm, các phòng này có quyền hạn phối hợp với phòng khác.
Cựu giám đốc cho rằng BV có hơn 700 cán bộ, các bộ phận cứ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà vận hành, trừ trường hợp đột xuất mới cần báo cáo.
Do vậy, đến sáng 29-5-2017 (ngày xảy ra sự cố) thì bị cáo mới biết việc sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 đã diễn ra từ ngày 28-5, vì kế hoạch chỉ là trong quý II chứ không quy định ngày cụ thể. Ngày hôm đó cũng là ngày nghỉ, bị cáo không trực nên không nắm được, không có ai báo cáo việc sẽ sửa chữa.
Hơn thế, đây là phần việc chuyên môn, sau khi hợp đồng có hiệu lực, các phòng chuyên môn có thẩm quyền và trách nhiệm liên hệ với đối tác để sửa chữa. Việc các phòng ban bố trí thời điểm nào để không ảnh hưởng tới hoạt động của BV thì đó là toàn quyền của các phòng chuyên môn.
“Đối với những lần sửa chữa trước cũng đều như vậy, trừ những trường hợp không bình thường mới phải xin ý kiến” – bị cáo khai.
Bị cáo là người ký thanh lý, quyết toán các khoản chi. Những lần trước, bị cáo có biết sau khi sửa chữa việc chạy thận được tiến hành ngay sau đó? - HĐXX đặt câu hỏi.
Bị cáo Trương Quý Dương.
Cựu giám đốc khai rằng chỉ biết nếu các phòng ban chuyên môn thấy bất thường và báo cáo. Còn trường hợp bình thường thì không thể biết, vì đây là công tác chuyên môn.
+ Việc xét nghiệm AAMI sau sửa chữa mất khoảng bao nhiêu thời gian?
. Dù không phải chuyên môn sâu nhưng bị cáo biết là cần khoảng một tuần.
+ Trong hoạt động chạy thận từ trước đến nay có phải dừng khi sửa chữa hay tiếp tục ngay?
. Bị cáo dựa vào sự tham mưu của các phòng ban chuyên môn, bao giờ cũng có nhiều kịch bản trong các tình huống khác nhau. Không có lý gì phòng chuyên môn đề xuất phải xét nghiệm mà bị cáo lại từ chối…
+ Bị cáo thực hiện sự kiểm tra, giám sát các hoạt động trên như thế nào?
. Bị cáo thông qua nhiều kênh, có những việc làm trực tiếp (xuống gặp bác sĩ ở đơn nguyên hỏi hoạt động ra sao, có trục trặc hay đề xuất gì không), có những việc thông qua báo cáo của phòng, ban chuyên môn. Bị cáo chưa từ chối bất cứ một đề xuất nào để cho hệ thống hoạt động an toàn.
Cáo trạng cũng cáo buộc từ năm 2014 đến 2017, ông Dương không có quyết định giao nguời phụ trách đơn nguyên lọc máu.
Về điều này, cựu giám đốc BV cho rằng việc giao nhiệm vụ cho một cá nhân phụ trách đơn nguyên, trừ khi mang tính đặc thù lớn thì ban giám đốc mới can thiệp. Tại đơn nguyên thận, thời gian đầu mới thành lập do đây là kỹ thuật cao và mới, bị cáo có phân công BS Tiến phụ trách (về sau BS Tiến được luân chuyển sang khoa Tim mạch), còn sau khi vận hành đúng theo quyết định thì thuộc quyền hành, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo khoa.