Vụ Hoàng Công Lương: Không ai nhận trách nhiệm về 9 cái chết

Ngày 17-1, phiên xử sơ thẩm vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến chín người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ tư với phần xét hỏi. Các luật sư tiếp tục đặt nhiều câu hỏi đối với các bị cáo để làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước chạy thận.

Quả bóng trách nhiệm được chuyền lắt léo…

Trong vụ án này, 5/7 bị cáo đang hoặc từng là lãnh đạo, cán bộ của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Họ bị cáo buộc là những người có trách nhiệm trực tiếp liên quan đến việc chín người tử vong do chạy thận khi nguồn nước RO không đảm bảo. Thế nhưng xuyên suốt bốn ngày xét xử, cả năm bị cáo không ai nhận mình có trách nhiệm phải đảm bảo chất lượng nguồn nước trước khi tiến hành lọc thận cho bệnh nhân.

Là một trong những bị cáo được dư luận đặc biệt quan tâm, Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) bị cáo buộc chủ quan ra y lệnh cho chạy lọc thận khi mới chỉ nghe thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa chữa xong từ điều dưỡng viên. VKS cho rằng Lương buộc phải biết nguồn nước phải đảm bảo chất lượng trước khi truyền vào người bệnh nhân.

Tuy nhiên, Lương bác bỏ điều này mà cho rằng nguyên nhân gây chết người là do hóa chất tồn dư trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng chứ không liên quan đến công tác điều trị của bác sĩ. Trách nhiệm đảm bảo nguồn nước thuộc về kỹ sư của phòng vật tư thiết bị y tế và đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng. Lấy lý do không đảm bảo sức khỏe, Lương xin dùng quyền im lặng, sẽ chỉ trả lời những câu hỏi thuộc lĩnh vực chuyên môn khám chữa bệnh.

Bị cáo thứ hai là ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV), người giữ vị trí cao nhất của BV tại thời điểm xảy ra sự cố. Cáo trạng nhận định ông Dương đã không phân công ai làm nhiệm vụ của kỹ sư, kỹ thuật viên để kiểm tra chất lượng nước trước, trong và sau khi lọc máu; không chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO...

Nhiều lần trả lời HĐXX và đại diện VKS cùng các luật sư, bị cáo Dương khẳng định đơn nguyên thận nhân tạo về mặt tổ chức thì thuộc khoa Hồi sức tích cực, còn về mặt chuyên môn thì thực hiện theo quy chế khoa Lọc máu. Theo đó, trách nhiệm đảm bảo nguồn nước chạy thận thuộc về trưởng khoa.

Trên thực tế, đơn nguyên thận nhân tạo không có chức danh kỹ thuật viên nhưng có đơn vị phụ trách vai trò của kỹ thuật viên, cụ thể đó là phòng vật tư và thiết bị y tế. “Đảm bảo chất lượng nước cho lọc máu thuộc trưởng khoa, trưởng khoa giao cho ai người đó sẽ chịu trách nhiệm” - bị cáo nói.

Các bị cáo Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng và Hoàng Đình Khiếu (từ trái qua). Ảnh: TUYẾN PHAN

Rồi đá vào thinh không cùng lương tri

Đến lượt mình, ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực tại thời điểm xảy ra sự cố) cũng cho rằng theo quy chế thì trưởng khoa Lọc máu sẽ chịu trách nhiệm về nguồn nước. “Nhưng BV không có trưởng khoa Lọc máu” - ông này nói.

Ông Khiếu khai vì khoa không có kỹ thuật viên nên khi máy móc xảy ra vấn đề thì trưởng khoa phải báo lại với phòng vật tư thiết bị y tế. “Chất lượng nước cũng giống như các loại thuốc, khoa không thể tự sản xuất mà phải lĩnh từ phòng vật tư hay khoa Dược về” - bị cáo này cho biết.

Như vậy, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục được đẩy tới bị cáo Trần Văn Thắng, cựu trưởng phòng vật tư thiết bị y tế. Cũng giống với hai cựu cấp trên của mình, ông Thắng nói đã làm hết trách nhiệm. Bị cáo này cho rằng quản lý về sửa chữa, bảo dưỡng và quản lý về sử dụng là hoàn toàn khác nhau. Trong đó, sửa chữa và bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của phòng vật tư, còn sử dụng thì lại là trách nhiệm của khoa Hồi sức tích cực.

Đáng chú ý, ông Thắng thừa nhận có nắm được nội dung xét nghiệm nước nằm trong hợp đồng nhưng lại không cảnh báo đơn nguyên thận nhân tạo không được vận hành hệ thống khi chưa có kết quả xét nghiệm bởi việc này không có trong thẩm quyền của mình.

Là người cuối cùng trong “chuỗi trách nhiệm”, Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư thiết bị y tế) một mực cho rằng mình chỉ có lỗi không can ngăn khi nhìn thấy đơn nguyên thận nhân tạo đưa hệ thống RO số 2 vào hoạt động mà chưa lấy mẫu nước. Còn về vấn đề đảm bảo chất lượng nguồn nước, Sơn khai không được đào tạo vì công việc của mình là sửa chữa.

Thậm chí luật sư đưa ra một bản hợp đồng giữa BV với Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn vào ngày 10-8-2016 về bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO, Trần Văn Sơn và Trần Văn Thắng đã có những lời khai hoàn toàn đối lập nhau.

Trong khi Sơn quả quyết mình đang đi học (vào những ngày cuối tuần - PV) nên không thể biết việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống thì ngược lại, ông Thắng khẳng định cựu thuộc cấp chỉ đi học theo lớp vừa học vừa làm và đang trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp tại nhà, do đó công việc tại phòng vật tư thiết bị y tế vẫn diễn ra như bình thường.

Phía nạn nhân đề nghị xử nghiêm ba cựu lãnh đạo BV

Trong buổi xét xử chiều 17-1, lần lượt đại diện của chín gia đình nạn nhân tử vong và chín gia đình bệnh nhân may mắn thoát chết trong sự cố chạy thận đã liệt kê các khoản yêu cầu BV đa khoa tỉnh Hòa Bình phải bồi thường.

Ngoài các khoản mai táng phí, bồi thường tổn thất tinh thần và hỗ trợ nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi, đại diện các gia đình bị hại cũng đề nghị được tính lãi theo lãi suất ngân hàng đối với các khoản được bồi thường, tính từ thời điểm xảy ra sự cố cho đến khi thực hiện bồi thường, trừ khoản đã “tạm ứng” trước đó.

Đáng chú ý, các gia đình nạn nhân đề nghị HĐXX tuyên Hoàng Công Lương vô tội, giảm nhẹ hình phạt đối với Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) và Đỗ Anh Tuấn (giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn). Với ba cựu lãnh đạo BV gồm bị cáo Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng, các gia đình đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

TUYẾN PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm