Dự thảo nghị quyết này đã được phái đoàn của Ai Cập gửi cho phái đoàn các nước thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) từ ngày 17-12. Dự kiến HĐBA sẽ tổ chức bỏ phiếu về dự thảo này trong ngày 18-12 (giờ địa phương), hãng tin AFP cho biết.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Ảnh: APP
Động thái trên được thúc đẩy sau khi chính quyền Mỹ ra quyết định chuyển đại sứ quá từ Tel Aviv sang Jerusalem và công nhận đây là thủ đô của Isreal, mặc dù không nói rõ lập trường về ranh giới giữa Israel và Palestine tại TP này.
Theo hãng tin AFP, dự thảo nghị quyết này nhấn mạnh Jerusalem là vấn đề cần được “giải quyết thông qua đàm phán”, đồng thời bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc trước các quyết định vừa qua liên quan đến hiện trạng của Jerusalem”. Dự thảo nghị quyết không đề cập trực tiếp đến quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Bất kỳ quyết định và hành động nào hướng đến thay đổi tính chất, hiện trạng hay thành phần nhân khẩu học” của Jerusalem đều sẽ “không có tác động pháp lý, vô nghĩa, vô ích và cần được hủy bỏ”, AFP dẫn lại nội dung của dự thảo do Ai Cập đệ trình. Bản dự thảo cũng kêu gọi tất cả các nước cân nhắc không mở đại sứ quán tại Jerusalem. Điều này cho thấy Ai Cập và cộng đồng các nước Ả Rập, Hồi giáo quan ngại sẽ có một số nước khác tiếp bước Mỹ.
Dự thảo cũng yêu cầu tất cả thành viên Liên Hiệp Quốc không thừa nhận bất kỳ hành động nào đi ngược lại các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc liên quan đến hiện trạng Jerusalem. Theo AFP, đã có một số nghị quyết trước đây kêu gọi Israel rút quân khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967, trong đó có Đông Jerusalem.
Có thông tin cho rằng phía Palestine đã nỗ lực thúc đẩy một dự thảo nghị quyết với lời lẽ đanh thép hơn, đề cập trực tiếp đến động thái của chính quyền Mỹ và kêu gọi Washington hủy bỏ quyết định gây tranh cãi. Tuy nhiên theo AFP, một số nước có quan hệ thân thiết với Mỹ như Anh, Pháp, Ai Cập, Nhật Bản và Ukraine đã không muốn hỗ trợ thúc đẩy một dự thảo quá cứng rắn, đồng thời kiên quyết cho rằng biện pháp mới nhất chỉ nên tái khẳng định lập trường đã được ủng hộ trong những nghị quyết trước đó.
Theo hãng tin AFP, một số nhà ngoại giao dự đoán Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn nghị quyết này được thông qua. Tuy nhiên, có khả năng toàn bộ 14 thành viên còn lại của HĐBA sẽ ủng hộ dự thảo. Nếu dự đoán này thành hiện thực, phía Palestine nhiều khả năng sẽ đẩy một dự thảo có nội dung tương tự lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hướng đến phản bác quyết định của chính quyền Mỹ. Nghị quyết của HĐBA chỉ được thông qua với điều kiện có trên 9/15 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của bất kỳ nước nào trong năm nước thành viên thường trực.