LTS: Vụ nhặt được 5 lượng vàng ở Cà Mau không ngờ có nhiều rắc rối pháp lý, đến các chuyên gia pháp luật cũng khó thống nhất quan điểm. Pháp Luật TP.HCM xin tạm khép diễn đàn này bằng một nhận xét nhỏ: Sẽ là vô lý nếu người nhặt vàng kiện người mất vàng, vì người mất không giữ số vàng này và chị ta cũng không tranh chấp với người nhặt vàng.
Ông TRẦN ĐÌNH THU, Phó phòng Giám đốc kiểm tra TAND TP.HCM:
Kiện công an vì chủ sở hữu đã mất quyền
Theo quy định, người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
Về nguyên tắc, các chủ thể phải thiện chí, trung thực, tôn trọng quyền sở hữu, lợi ích hợp pháp của nhau. Luật trước hết bảo vệ quyền sở hữu của người có tài sản nên đã đặt ra quy định người nhặt được cũng như chính quyền cơ sở phải tìm cách trả lại vật bị đánh rơi, bỏ quên cho chủ sở hữu. Do đó, ở giai đoạn này (chưa đến hạn một năm), việc tìm chủ sở hữu tài sản và trả cho họ là ưu tiên hàng đầu.
Sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì người nhặt tài sản được hưởng quyền theo quy định. Như vậy, thời hạn tìm kiếm chủ sở hữu là một năm kể từ ngày thông báo công khai, hết hạn này thì người nhặt được tài sản chính thức được hưởng quyền.
Hiện chỉ có Điều 241 BLDS điều chỉnh vấn đề nhặt tài sản bị đánh rơi, bỏ quên; ngoài ra không có nghị định, thông tư, hay công văn gì hướng dẫn thêm vấn đề được hưởng quyền khi hết hạn một năm. Do đó trình tự thủ tục chuyển giao tài sản hay một phần tài sản cho người nhặt được cũng đang còn bỏ ngỏ. Thực tiễn lại hiếm gặp nên việc lúng túng trong xử lý của công an là điều dễ hiểu.
Công an đã thận trọng trong thực hiện việc cho chị Mai hưởng quyền theo quy định. Việc chậm trễ này là đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chị Ngân (người mất vàng) nhưng đã ảnh hưởng quyền chị Mai. Do đó, chị Mai kiện công an về việc chậm trễ này là hợp lý hơn vì thực ra chị Ngân đã mất quyền sở hữu từ khi đến hạn một năm. Chị Ngân cũng không giữ số vàng trong tay.
Nay chị Mai đã kiện chị Ngân thì để tòa xem xét. Từ đây, có thể ghi nhận làm “án lệ” để áp dụng giải quyết những trường hợp tương tự. Chẳng hạn phần giá trị mà Nhà nước được hưởng tòa có thể xem xét trả lại cho người được xác định là chủ sở hữu vì Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà.
Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao:
Hành vi giữ tài sản khi hết hạn là bất hợp pháp
Trở ngại hiện tại là ai là người xử lý nếu phát sinh tranh chấp. Công an không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp. Luật cũng chưa có quy định về ai là người giải quyết tranh chấp giữa người nhặt được và người làm rơi, bỏ quên. Nghị định 96/2009 có điều chỉnh nhưng chỉ quy định về vật bị chôn vùi, chìm đắm (Sở Tài chính giải quyết) theo Điều 240 BLDS.
Riêng Điều 241 BLDS thì chưa có văn bản dưới luật nào điều chỉnh. Như vậy, hiểu người giữ vật là công an thì người trả vật cũng là công an.
Về luật nội dung, chị Mai phải được hưởng quyền khi đến hạn một năm. Đến thời điểm tròn một năm từ khi thông báo công khai thì phát sinh nghĩa vụ của công an là phải cho người nhặt được hưởng tài sản hoặc một phần giá trị tài sản theo luật định. Việc chậm giao hay giữ lại là sai.
Chị Ngân xuất hiện sau một năm thì coi như đã hết thời hiệu được quyền nhận lại tài sản cho dù khi mất chị có trình báo.
Vấn đề đặt ra là có tranh chấp hay không. Trường hợp này là có và rất khó tìm ra người giải quyết tranh chấp vì luật không quy định.
Nếu kiện, chị Mai phải kiện công an vì cơ quan này đã thực hiện một hành vi hành chính là giữ số vàng chị Mai giao nộp, đã thông báo công khai nhưng đến hạn cho chị được hưởng quyền thì lại không thực hiện. Chị Mai nên kiện cách xử lý của công an, kiện hành vi không cho chị hưởng quyền tài sản đối với tài sản mà chị đã giao nộp khi nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên. Bằng một bản án, tòa xác định thời hạn chờ chủ sở hữu xuất hiện đã hết và buộc công an cho chị hưởng quyền theo quy định.
Về luật tố tụng, sau một năm mà người chủ sở hữu mới xuất hiện thì hết quyền đòi lại tài sản. Do đó, không thể kiện người này vì người này không đang giữ vàng, cũng đã hết quyền với tài sản. Chỉ còn lại công an. Do đó kiện công an mới đúng. (Cơ quan nhà nước tiếp nhận tài sản do người nhặt được giao nộp và thông báo công khai. Khi kết thúc chu kỳ giữ hộ thì phải bằng một hành vi hành chính để giao tài sản hoặc phần tài sản mà người nhặt được được hưởng cho họ)
Kiện hành chính ở đây là kiện hành vi của công an giữ vàng quá hạn luật định. Hành vi hành chính giữ vàng trong hạn một năm là hợp pháp. Để quá hạn mà không thực hiện chuyển giao là bất hợp pháp. Chị Mai nên kiện yêu cầu tòa tuyên bố hành vi tiếp tục giữ vàng của công an là không hợp pháp và buộc công an trả lại phần mình được hưởng.
Chị nhặt rác kiện giám đốc nhà máy rác Ngày 28-9, chị Phạm Tuyết Mai cho biết TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã thụ lý đơn kiện của chị về việc bị giám đốc Nhà máy rác tỉnh Cà Mau đuổi việc chị trái luật. Chị yêu cầu tòa án buộc Nhà máy rác Cà Mau phải bồi thường cho chị 46 triệu đồng và nhận chị làm việc lại tại nhà máy này. TAND TP Cà Mau đã mời hai bên nguyên đơn - bị đơn lên hòa giải lần đầu vào ngày 30-9 tới. Theo hồ sơ, tháng 9-2014, chị Mai bị Nhà máy rác tỉnh Cà Mau sa thải vì hai lý do. Đó là nhặt được 5 lượng vàng mà không báo và khi bị phát hiện, ban giám đốc nhà máy đề nghị giao vàng chị cũng không giao. Như vậy, chị Mai đã thực hiện cùng lúc hai vụ kiện liên quan đến sự vụ lùm xùm nhặt 5 lượng vàng tại Nhà máy rác Cà Mau. Ngoài vụ vừa nêu, chị Mai còn kiện chị Ngân (người bị mất số vàng được cho là chị Mai đã nhặt được). Vụ này TAND TP Cà Mau đã nhận đơn và đang xem xét, đến nay vẫn chưa thụ lý. TRẦN VŨ Bạn đọc bàn luận về vụ kiện Trước đây, chị Mai phát hiện số vàng và có tranh chấp với nhà máy xử lý rác thì đa số bạn đọc bênh vực, đứng về phía chị Mai. Tuy nhiên, khi xuất hiện chủ sở hữu số vàng đó là chị Ngân với tình tiết số tài sản đó bị mất trộm, có trình báo với công an thì nhận định của bạn đọc đã khác: Nên trả tài sản cho chị Ngân - người bị mất trộm. Theo tôi, luật sư của chị Mai nên góp ý cho chị Mai tiếp tục hòa giải và cố gắng thuyết phục chị Ngân tăng thêm tiền “đền ơn” cho chị Mai... PHAN TẤN TÀI (phantantai…@...com) Thời hạn tìm chủ sở hữu số vàng mà chị Mai nhặt được đã hết nên cơ quan công an nhận giữ số vàng ấy phải giao lại cho chị Mai là đúng luật. Nếu không hoàn trả thì chị Mai có quyền khởi kiện Công an TP Cà Mau ra TAND TP Cà Mau. Chị Ngân không phải là đối tượng để chị Mai khởi kiện và chị cũng không tranh chấp với chị Mai. HAI LÚA (ngockhuong…@...com) Hết một năm, không có ai đến nhận vàng thì chị Mai đương nhiên là chủ sở hữu số vàng mình nhặt được. Công an đã làm đúng nghĩa vụ của mình thì nay phải giao lại vàng cho người nhặt được là chị Mai - theo quy định tại khoản 2 Điều 241BLDS. Nếu cơ quan công an không thực hiện nghĩa vụ của mình trao trả lại vàng cho chị Mai thì chị Mai có quyền khởi kiện hành vi hành chính đối với Công an TP Cà Mau. Cơ quan công an không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản. Việc cơ quan công an trao trả lại tài sản cho người nhặt được là thực hiện theo quy định của pháp luật chứ không phải giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu hay quyền đòi lại tài sản. HOÀNG MINH TÂM (ngaicuu…@gmail.com) |