Ngày 28-2, TAND tỉnh Bình Dương đã xử sơ thẩm vụ nữ giám đốc Lê Thị Hạnh (ngụ huyện Bàu Bàng, giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đức Hạnh) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt hơn 35 tỉ đồng của Techcombank Chi nhánh Bình Dương.
Bị cáo khai làm theo hướng dẫn của ngân hàng
Theo cáo trạng, tháng 12-2011, Hạnh làm thủ tục vay 40 tỉ đồng của Techcombank Chi nhánh Bình Dương với tài sản thế chấp là gần 500 tấn tiêu đen và sáu thửa đất. Khi ngân hàng xử lý thu hồi nợ thì phát hiện số lượng hàng thế chấp chỉ còn gần 200 tấn tiêu nên tố cáo ra công an. VKSND tỉnh Bình Dương cho rằng bằng hành vi gian dối, Hạnh đã chiếm đoạt hơn 35 tỉ đồng của ngân hàng.
Liên quan tới vụ án, bị cáo Trần Việt Dũng (nguyên trưởng Phòng Giao dịch Techcombank Chi nhánh Sóng Thần) và Thái Hữu Duẫn (nguyên chuyên viên khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Sóng Thần) là những người kiểm tra, đề xuất giải ngân cho Hạnh vay tiền bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tại phiên tòa, Hạnh trình bày năm 2007 bị cáo vay 7 tỉ đồng của Techcombank bằng tín chấp, sau đó vay thêm tổng số tiền 14 tỉ đồng bằng hình thức thế chấp tiêu tồn kho. Đến năm 2009, bị cáo vay tiếp, tổng cộng là 25 tỉ đồng. Năm 2010, bị cáo vay thêm 15 tỉ đồng. Tổng cộng bị cáo đã vay 40 tỉ đồng bằng việc thế chấp gần 500 tấn tiêu và sáu thửa đất. Trong những lần vay, phía Techcombank đều cử người xuống kiểm tra số lượng hàng hóa và có công ty giám định tài sản thế chấp độc lập giám định chất lượng. Đến năm 2011, vì không có tiền đáo hạn nên phía ngân hàng làm hợp đồng mới để hợp thức hóa cho việc vay 40 tỉ đồng nhưng thực chất bị cáo không nhận được đồng nào.
Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Về nguyên tắc là phải trả hết nợ cũ thì ngân hàng mới cho vay tiếp, tại sao lại có vấn đề bị cáo chưa trả nợ cũ mà vẫn được phía ngân hàng cho vay? Theo quy định, hàng hóa nông sản thế chấp thì 4-6 tháng là phải bán đi rồi đưa hàng mới vào. Tại sao ngân hàng lại niêm phong giữ đó nhiều năm?”.
Bị cáo Hạnh trao đổi với luật sư của mình. Ảnh: V.HỘI
“Bị cáo không biết, hồ sơ vay bên ngân hàng làm hết, bị cáo chỉ ký thôi. Toàn bộ số tiêu thế chấp thì ngân hàng đã quản lý, niêm phong bấm chì cấm buôn bán và cho bảo vệ trông coi ngày đêm. Tất cả những lần đáo hạn vay, làm hồ sơ thủ tục đều do nhân viên của ngân hàng, công ty kiểm định vào kho lấy mẫu. Sau đó phía ngân hàng niêm phong bấm chì toàn bộ số tiêu đã thế chấp rồi thuê bảo vệ quản lý 24/24 giờ” - Hạnh trả lời.
Cạnh đó, Hạnh khai hằng tháng vẫn đóng lãi đều với tổng số tiền lãi lên đến hơn 30 tỉ đồng. Hạnh cho rằng nếu mình có ý thức lừa đảo thì đã không trả số tiền lãi lớn đến như vậy. Ngoài ra, Hạnh còn ký hợp đồng ba bên giữa doanh nghiệp với ngân hàng và Công ty Dịch vụ quản lý tài sản của Công ty TNHHMTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Kỹ thuật Việt Nam một năm gần 700 triệu đồng.
Nhiều mâu thuẫn
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Việt Dũng trình bày: Tháng 11-2011, tiếp nhận hồ sơ vay của Hạnh, lúc này Dũng căn cứ vào chất lượng hàng hóa, kiểm tra niêm phong tài sản chế chấp hồ sơ thủ tục đầy đủ rồi đề xuất lãnh đạo cho khách hàng vay. “Sau khi tiếp nhận khách hàng, bị cáo hai lần xuống công ty của Hạnh để kiểm tra thực tế, có lần đi với lãnh đạo Chi nhánh Bình Dương” - Dũng khai.
Còn bị cáo Thái Hữu Duẫn khai tiếp nhận hồ sơ công ty của Hạnh từ tháng 5-2011. “Bị cáo không làm hồ sơ để cho bị cáo Hạnh thế chấp để vay. Sau khi tiếp nhận khách hàng, bị cáo có nhiệm vụ theo dõi số nợ, kiểm tra hàng hóa. Bị cáo kiểm tra thực tế đầy đủ số lượng bao, có cả lãnh đạo của Chi nhánh Bình Dương đi cùng. Bị cáo có kiểm tra hàng hóa thế chấp vẫn niêm phong rồi nhưng không biết chì niêm phong vào thời điểm nào” - Duẫn khai.
Trong phần xét hỏi, đại diện Techcombank cho biết qua kiểm tra hàng thế chấp thì niêm phong chì thời điểm năm 2011 chứ không phải 2007 và lô hàng thế chấp này là lô hàng mới chứ không phải là lô hàng ban đầu.
HĐXX hỏi: “Nhưng kết luận của CQĐT xác định lô hàng này là lô hàng cũ được thế chấp vào năm 2007?”. “Ngân hàng không đồng ý kết luận của CQĐT cho rằng đó là lô hàng cũ và không đồng ý với lời khai của bị cáo Hạnh” - đại diện Techcombank trả lời.
“Vậy ông giải thích thế nào về việc ký hợp đồng ba bên giữa doanh nghiệp với ngân hàng và Công ty Dịch vụ quản lý tài sản của Công ty TNHHMTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Kỹ thuật Việt Nam năm 2011?” - chủ tọa phiên tòa chất vấn. Đại diện Techcombank cho rằng khi đó công ty của Hạnh không còn khả năng thanh toán nợ nên ký hợp đồng đó. Tuy nhiên, HĐXX nhận định đại diện Techcombank trả lời không phù hợp với hồ sơ vụ án.
Tại phiên tòa, đại diện Techcombank cho rằng hai bị cáo Dũng, Duẫn đã tiếp nhận và làm đúng, không vi phạm các quy định của phía ngân hàng, còn việc truy tố hai nhân viên này có tội thì đại diện Techcombank không có ý kiến.
Hôm nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Không biết hơn 300 tấn tiêu đi đâu Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Hạnh hỏi đại diện Techcombank: “Khi thế chấp tài sản có công ty giám định độc lập về chất lượng và số lượng lô hàng gần 500 tấn tiêu. Sau đó lô hàng được niêm phong chì, có bảo vệ của ngân hàng canh giữ 24/24 giờ. Năm 2016, khi xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì lô hàng vẫn còn niêm phong chì đầy đủ, có sự chứng kiến của tất cả các bên. Vậy sao khi cân lại chỉ còn chưa đầy 200 tấn? Tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn như vậy?”. Đại diện Techcombank trả lời: “Thực sự cũng không thể giải thích có sự hao hụt chêch lệch đến như vậy”. |