Vụ Phạm Thanh Tiệp: Cảnh báo cách làm bóng đá của các CLB Việt Nam

(PLO)- Vụ việc liên quan đến cầu thủ Thanh Tiệp, FIFA đã đưa ra phán quyết của mình với SHB Đà Nẵng. Đó là sự trả giá cho thói quen hay suy nghĩ "lâu ngày phân trâu hóa bùn"?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với bóng đá châu Âu, không có gì là miễn phí, dù vài chục ngàn USD họ cũng nhận, đó là sự sòng phẳng mọi thứ. Đừng tưởng châu Âu, giàu có, tài năng bóng đá quá nhiều mà họ phá luật để cho không cầu thủ. Vụ kiện liên quan đến cầu thủ Phạm Thanh Tiệp mới đây là ví dụ điển hình.

Phạm Thanh Tiệp, 27 tuổi (sinh năm 1996) được CLB Banik Prievidza của Slovakia đào tạo từ năm 12 tuổi. Đến năm 2019, anh chuyển sang SHB Đà Nẵng thi đấu, thời điểm này, Tiệp chưa quá 23 tuổi. Nếu SHB Đà Nẵng tiếp nhận Tiệp thì phải trả phí đào tạo theo luật của FIFA về chuyển nhượng cầu thủ dưới 23 tuổi cho CLB của Slovakia.

Thanh Tiệp chỉ đá 112 phút cho SHB Đà Nẵng năm 2019 rồi ra đi. Ảnh: CTP

Thanh Tiệp chỉ đá 112 phút cho SHB Đà Nẵng năm 2019 rồi ra đi. Ảnh: CTP

Trong thời gian thử việc, Thanh Tiệp thể hiện rất tốt, thế là lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng tiếp nhận, nhưng không tiến hành các thủ tục cần thiết với CLB của Slovakia.

Cho đến khi Tiệp khoác áo SHB Đà Nẵng ra sân và chỉ đá hai trận tổng cộng 112 phút thì Banik Prievidza chú ý.

Thực tế nếu xét về luật thì SHB Đà Nẵng phải trả phí đào tạo Thanh Tiệp cho Banik. Nếu biết, nắm rõ cung cách làm việc của châu Âu, trong đó có bóng đá thì SHB Đà Nẵng sẽ không gặp phải rắc rối. Với người châu Âu chẳng có gì là miễn phí, đằng này Tiệp lại “ăn cơm” của Banik từ năm 12 tuổi, không dễ gì CLB của Slovakia cho không, dù có thể bán vài ngàn USD họ cũng bán.

Đau cho lối suy nghĩ theo thói quen cầu thủ không hay, đá 112 phút rồi chia tay đội rồi thì không gặp vấn đề gì.

Thực tế theo luật của FIFA thì khi Tiệp khoác áo ra sân SHB Đà Nẵng thì hai bên phải có hợp đồng hoặc văn bản dàn xếp tài chính thanh toán. Nếu SHB Đà Nẵng không có động thái gì cả thì rõ ràng đội đã vi phạm luật của FIFA rồi. Trong bóng đá, chuyển nhượng phải đúng luật.

Khi Tiệp khoác áo SHB Đà Nẵng đá V-League là lúc tiềm ẩn kiện tụng và chắc chắn phần thắng thuộc về CLB của Slovakia. Banik Prievidza yêu cầu SHB Đà Nẵng trả 60 ngàn USD phí đào tạo Thanh Tiệp.

Banik Prievidza đã ba lần gửi thư nhắc nhở nhưng SHB Đà Nẵng lơ và thế là họ kiện lên FIFA.

Và tổ chức này ra phán quyết SHB Đà Nẵng phải trả 60 ngàn USD tiền đào tạo và 5% lãi suất của 60 ngàn USD. Tổng cộng, SHB Đà Nẵng phải trả cho Banik 73 ngàn USD phí đào tạo Thanh Tiệp.

SHB Đà Nẵng có 15 ngày để kháng án, nhưng đội bóng Sông Hàn... lại quên. Gần hai tháng sau, họ mới nộp đơn kháng án của mình lên Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS). Lúc này, CAS cũng bác đơn của SHB Đà Nẵng vì quá hạn. SHB Đà Nẵng đã tự đánh mất quyền kháng án của mình.

Làm việc với bóng đá châu Âu, FIFA, Tòa án CAS không phải theo cảm hứng và “quên-nhớ” ở đây theo thói quen được. Bây giờ SHB Đà Nẵng phải có trách nhiệm trả cho Banik tổng cộng 73 ngàn USD.

Nếu SHB Đà Nẵng không trả cho Banik 73 ngàn USD thì LĐBĐ thế giới (FIFA) sẽ làm việc với LĐBĐ Việt Nam (VFF), với BTC V-League để chế tài CLB này. Khi đó, SHB Đà Nẵng có thể đối mặt với việc bị khỏi giải VĐQG ba mùa, cấm các hoạt động chuyển nhượng một thời gian nhất định...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm