Ngày 27-3, TAND tỉnh Quảng Trị đã đưa vụ án tiêm nhầm vaccine khiến ba trẻ sơ sinh tử vong tại BV Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ra xử sơ thẩm. Sau một ngày xét xử, tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thuận (y sĩ trực tiếp tiêm nhầm thuốc khiến ba trẻ tử vong, đang bị tạm giam) năm năm tù về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính.
BS Lê Huỳnh Sơn (phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp bệnh viện, phụ trách phòng mổ) bị phạt bốn năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội này, bị cáo Nguyễn Văn Thiện (phó giám đốc BV) phải nhận ba năm tù; riêng bị cáo Trần Thị Hải Vân (y tá trưởng, khoa Khám bệnh) bị phạt ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Cẩu thả chết người
Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận khiến nhiều người có con nhỏ trong độ tuổi tiêm vaccine hoang mang, lo sợ. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã đến tòa để theo dõi phiên xử.
Các bị cáo tại phiên tòa . Ảnh: NGUYỄN TÂN
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận khóc nấc khi nghe tòa tuyên án. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Thuận khai: Vào 7 giờ 30 ngày 20-7-2013, đúng ca trực của bị cáo, có ba sản phụ sinh ba trẻ tại BV. Bị cáo nhận y lệnh của BS Lê Thị Kim Phượng đến lấy thuốc vaccine viêm gan B ở tủ lạnh tại khoa Khám bệnh để tiêm cho ba trẻ. Lúc này trời mưa, lại mất điện nên bị cáo đã dùng đèn pin điện thoại để lấy thuốc rồi tiêm cho ba trẻ sơ sinh. Sau đó không lâu bị cáo nghe thấy tiếng kêu cứu nên vội đưa ba trẻ vừa tiêm đi cấp cứu.
Sau khi kiểm tra lại, biết mình tiêm nhầm thuốc Esmeron (thuốc giãn cơ), bị cáo Thuận đã lấy ba lọ vaccine viêm gan B dùng kim tiêm rút hết thuốc ra ngoài và thế chỗ ba lọ thuốc đã tiêm nhầm để thủ tiêu chứng cứ…
HĐXX yêu cầu bị cáo Lê Huỳnh Sơn, phó phòng Kế hoạch - Tổng hợp, trả lời về việc xuất hiện thuốc Esmeron trong tủ lạnh. Bị cáo Sơn cho rằng trước đó BV đã nhập thuốc Esmeron để phục vụ phẫu thuật, số thuốc trong tủ lạnh là thuốc chưa sử dụng hết. Ngày 6-6-2013, do thuốc còn thừa nên bị cáo Sơn đã đưa về tủ lạnh ở khoa Khám bệnh để bảo quản. Để tránh nhầm lẫn, bị cáo đã ghi ngoài vỏ hộp là “thuốc độc” trước khi để thuốc này vào tủ lạnh.
Lúc đó, y tá trưởng Trần Thị Hải Vân phụ trách việc quản lý, bảo vệ tủ lạnh. Trước tòa, bị cáo Vân cho rằng chỉ được lãnh đạo BV giao quản lý, bảo quản ngăn một và ngăn ba của tủ lạnh chứa sinh phẩm SAT. Riêng ngăn hai, nơi chứa thuốc Esmeron và vaccine viêm gan B, là thuộc sự quản lý của khoa Sản nên không thuộc trách nhiệm của bị cáo.
Bị cáo Vân không chấp nhận phần luận tội của VKS vì cho rằng mình chỉ quản lý tủ lạnh đựng thuốc ở khoa Khám bệnh theo chức trách là không để mất mát, hư hỏng. “Chìa khóa phòng để tủ lạnh bị cáo không giữ, ngày mà y tá Thuận vào lấy thuốc là ngày lễ, bị cáo nghỉ ở nhà nhưng y tá Thuận vẫn vào lấy thuốc; ngày anh Sơn vào cất thuốc Esmeron bị cáo cũng không hay biết” - bị cáo Vân nói.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Thiện, phó giám đốc BV, là người được giám đốc BV ủy quyền quản lý vào thời điểm xảy ra vụ việc. Tòa hỏi ngày 18-7-2013 (trước khi xảy ra vụ việc hai ngày) đoàn kiểm tra Sở Y tế khi đến làm việc đã nhắc trong ngăn để vaccine có để “thuốc độc” nhưng bị cáo vẫn không chấn chỉnh, xử lý. Bị cáo Thiện cho rằng hôm có đoàn kiểm tra về bị cáo bận tham gia một ca mổ cấp cứu nên không nghe thấy điều này.
Sự hối hận muộn màng
Trong phần luận tội, đại diện VKS nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội và thực tế đã gây ra hậu quả rất đau lòng. Hành vi này không những xâm phạm đến hoạt động đúng đắn trong việc khám, chữa bệnh trong BV, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành y tế. Vì vậy, VKS đề nghị phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, xét các bị cáo chưa từng phạm tội, gia đình các bị hại xin được giảm nhẹ tội cho các bị cáo, VKS đề nghị tòa xử phạt bị cáo Thuận 3-4 năm tù. Với ba bị cáo Sơn, Thiện, Vân, VKS đề nghị xử phạt 24-30 tháng tù treo.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên buộc BV Đa khoa huyện Hướng Hóa bồi thường cho gia đình các bị hại tiền mai táng phí và tổn thất tinh thần. Theo đó, gia đình chị Nguyễn Thị Nga yêu cầu bồi thường 144 triệu đồng, gia đình chị Trần Thị Hà yêu cầu 143 triệu đồng, gia đình chị Hồ Thị Thương yêu cầu 77 triệu đồng.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn, hối cải và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt. “Gia đình bị cáo gặp nhiều khó khăn, chồng bị tai nạn, bị cáo còn có ba con thơ, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về sum họp với chồng con” - bị cáo Thuận khóc nấc.
Sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thuận năm năm tù, bị cáo Sơn bốn năm tù, bị cáo Thiện ba năm tù (cả ba mức án này đều cao hơn mức đề nghị của VKS) và bị cáo Vân ba năm tù treo. Về mặt dân sự, tòa buộc BV Đa khoa huyện Hướng Hóa bồi thường cho mỗi gia đình bị hại 77 triệu đồng.