Vụ trả giá 30 tỉ đồng/m2 đất rồi bỏ: Xử nghiêm để răn đe chung

(PLO)- Vụ trả giá 30 tỉ đồng rồi bỏ ở Sóc Sơn như một tiếng chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiêm trị những “nhóm phá đấu giá” đang xem thường pháp luật.

Ngày 3-12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tạm giữ năm người trong vụ đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, theo khoản 2 Điều 218 BLHS. Đây là động thái quyết liệt của Công an TP Hà Nội, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận xã hội.

Trước giờ, hiện tượng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động bán đấu giá tài sản vốn đã gây bức xúc dư luận. Thậm chí phát biểu tại nghị trường trước đây, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khẳng định: “Có việc bắt tay “quân xanh, quân đỏ” trong các phiên đấu giá nhằm dìm giá đất, lót đường cho một nhà đầu tư đã được định sẵn trúng với giá rẻ. Ngoài ra còn có sự tham gia của xã hội đen, họ đe dọa những người tham gia đấu giá bỏ cuộc, rút hồ . Khi đó cuộc đấu giá chỉ còn một người tham gia, một mình một chợ, những người tham gia khác chỉ quân xanh, quân đỏ””.

Nhận diện hiện tượng tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá tài sản thì dễ, song để “bắt tận tay, day tận cánh” và xử lý nghiêm là điều thật sự không dễ dàng. Không dễ nhưng không phải là không thể, bởi những kẻ làm sai có xóa hết dấu vết bao giờ. Như vụ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chính yếu tố trả giá cao ngất (30 tỉ đồng/m2 đất) rồi bỏ cuộc trong vòng đấu giá kế tiếp của người tham gia đấu giá khiến phiên đấu giá thất bại đã thách thức luận xã hội và cả các cơ quan chức năng. Và rồi sau đề nghị của UBND huyện Sóc Sơn, cơ quan công an đã nhanh chóng vào cuộc.

Cần thấy rằng đấu giá tài sản - trong đó có đấu giá đất - là một nguồn thu lớn để cải tạo hạ tầng của các địa phương. Đấu giá đất cũng là một trong những cách để tối ưu hóa giá trị kinh tế khi những thửa đất đó sử dụng một cách hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu giá công khai, minh bạch nhằm tạo ra sự công bằng cho các chủ thể tham gia đấu giá, hạn chế tối đa sự thiên vị, “đi đêm”. Cho nên hoạt động đấu giá lành mạnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

Thế nhưng, đã xảy ra không ít trường hợp vì quyền lợi riêng mà bắt tay với cán bộ đấu giá, lập ra các doanh nghiệp con (mà thực chất là các doanh nghiệp “ma”) để tham giá đấu giá, sau đó ép giá hoặc bỏ cọc. Điều này tạo ra cản lực khiến phiên đấu giá bất thành. Hậu quả là các nguồn lực chậm được đưa vào vận hành, phục vụ phát triển kinh tế - hội.

Vụ Sóc Sơn như một tiếng chuông cảnh báo, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nghiêm trị những ai vi phạm để răn đe chung đối với những “nhóm phá đấu giá” đang xem thường pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới