Tòa Trọng tài Quốc tế ICC không đưa ra phán quyết chính thức
LTS: Từ việc ông Trịnh Vĩnh Bình, một người Hà Lan gốc Việt, khởi kiện chính phủ Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế ICC, Paris (Pháp) đòi bồi thường khoảng 1,25 tỉ USD, nhiều bạn đọc thắc mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến công việc của trọng tài quốc tế.
Pháp Luật TP.HCMxin giới thiệu bài viết của TS Trần Thăng Long, khoa Luật quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM.
Các tranh chấp thương mại quốc tế, gồm tranh chấp về hợp đồng và tranh chấp giữa nhà đầu tư là cá nhân với chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, có thể được đưa ra phân xử tại một tòa trọng tài (không phải tòa án). Cơ sở là theo quy định tại hợp đồng hoặc hiệp định quốc tế giữa các quốc gia (như hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư). Đây là trường hợp từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Không ra phán quyết chính thức
Thông thường các hiệp định trên sẽ quy định tranh chấp được giải quyết bằng cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và công dân quốc gia khác. Đây gọi là cơ chế ICSID (International Centre for Settlement of Investment Disputes) theo Công ước Washington năm 1965. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa tham gia cơ chế này.
Nếu các bên không phải là thành viên của công ước này thì các tranh chấp liên quan sẽ được giải quyết bằng hòa giải. Nếu biện pháp hòa giải không đạt được thì tranh chấp này được giải quyết bằng một trọng tài theo vụ việc (ad hoc) hoặc trọng tài thường trực (trọng tài quy chế).
Cơ sở pháp lý để các tòa trọng tài nói trên phân xử là các điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa công dân của một bên ký kết với chính phủ tại các hiệp định liên quan. Ngoài ra, vụ kiện có thể được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong trường hợp chính phủ của nước bị kiện đồng ý chấp nhận vụ kiện được giải quyết bằng một cơ chế như vậy.
Tòa Trọng tài Thương mại quốc tế (the International Court of Arbitration - ICC) là cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của ICC. Nhưng theo khoản 2 Điều 1 Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại quốc tế ICC năm 2017 thì tòa này có chức năng quản lý đối với việc giải quyết tranh chấp được áp dụng theo quy tắc tố tụng của ICC nên sẽ không đưa ra phán quyết chính thức về các vấn đề tranh chấp. ICC chỉ thực hiện việc giám sát tư pháp đối với các thủ tục tố tụng trọng tài, gồm việc xác nhận, chỉ định và thay thế các trọng tài viên. Ngoài ra là đưa ra quyết định về các phản đối đối với các trọng tài viên này, giám sát tiến trình tố tụng trọng tài đảm bảo theo thời hạn, xem xét và chuẩn y các phán quyết trọng tài để đảm bảo chất lượng và tính khả thi…
Ông Trịnh Vĩnh Bình. Ảnh: INTERNET
Được yêu cầu hủy phán quyết
Hiện có nhiều cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về thương mại và đầu tư, tùy thuộc vào cơ chế giải quyết được các bên chọn lựa là gì mà phạm vi phân xử và việc thi hành phán quyết sẽ căn cứ vào cơ chế đó. Nội dung của phán quyết sẽ được thể hiện trong phán quyết của tòa trọng tài được thành lập để phân xử vụ tranh chấp.
Thứ nhất, trong trường hợp việc giải quyết bằng trọng tài thì quy tắc tố tụng sẽ tùy thuộc vào cơ chế cụ thể. Chẳng hạn, nếu vụ việc giải quyết bằng cơ chế trọng tài ad hoc thì quy tắc tố tụng có thể do các bên chọn lựa. Lúc này, theo một trong các quy tắc tố tụng trọng tài thương mại quốc tế phổ biến như quy tắc trọng tài của Ủy ban LHQ về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) hoặc quy tắc trọng tài của ICC. Nếu vụ việc được giải quyết bằng cơ chế Tòa Trọng tài Thường trực thì có thể áp dụng quy tắc tố tụng trọng tài của chính tổ chức trọng tài đó, chẳng hạn như quy tắc tố tụng riêng của ICSID.
Thứ hai, giá trị pháp lý và việc thi hành phán quyết thường được xác định trong phán quyết của tòa trọng tài đó. Về cơ bản các phán quyết này sẽ có giá trị chung thẩm, không có thủ tục phúc thẩm và yêu cầu các bên thực thi bằng việc công nhận và cho thi hành tại các nước liên quan. Mặc dù vậy, phán quyết này có thể bị bên phải thi hành yêu cầu tòa án nơi diễn ra phiên xử trọng tài hủy (set aside) và không công nhận, cho thi hành tại nước phải có nghĩa vụ thực thi phán quyết.
Điều này dẫn đến khả năng làm vô hiệu hóa phán quyết trọng tài. Đối với cơ chế của ICSID, theo đề nghị của một bên, phán quyết này cũng có thể được hủy bỏ (annulment) bằng cơ chế xem xét riêng của ICSID.
Có thể từ chối thi hành
Các phán quyết của trọng tài nước ngoài, gồm các phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ của nước liên quan, sẽ cần được công nhận và cho thi hành tại nước liên quan đó. Nếu nước phải thi hành là thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận các phán quyết trọng tài nước ngoài (Công ước New York 1958), nước này sẽ công nhận phán quyết là có giá trị ràng buộc và sẽ thi hành. Việc thi hành này sẽ tuân theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định được thi hành.
Mặc dù vậy, theo điểm b khoản 2 Điều 5 của Công ước New York 1958 thì việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối dựa trên lý do là việc này sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó. Do đó, việc thi hành các phán quyết chống lại quốc gia thường bị vô hiệu hóa hoặc bị cản trở bằng việc áp dụng nguyên tắc về quyền miễn trừ quốc gia (state immunity). Trong đó có thể viện dẫn yếu tố lợi ích công, việc bảo vệ tài sản quốc gia không sử dụng vào các mục đích thương mại hoặc những đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (diplomatic privilege).
Trường hợp phán quyết không được thực thi thì các cơ chế giải quyết bằng trọng tài hiện không có chế tài cụ thể để buộc phải thực thi. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa thương mại có thể được các nước liên quan áp dụng nhằm đảm bảo việc thi hành phán quyết cho công dân của mình. Ngoài ra, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của nước phải thực thi phán quyết trong quan hệ quốc tế.
Một vấn đề khác là các tòa trọng tài quốc tế về thương mại chỉ giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế hoặc đầu tư quốc tế. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chứng minh được vụ kiện có thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài hay không; nguyên đơn có phải là nhà đầu tư hay không; khoản đầu tư của nhà đầu tư có hợp pháp không và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư đã vi phạm như thế nào.
Do đó, các phán quyết không thể đi ra ngoài các nội dung tranh chấp nêu trên. Ngoài ra, phía nguyên đơn có thể đưa ra yêu cầu về bồi thường nhưng việc xác định mức bồi thường cụ thể sẽ do trọng tài quyết định trong phán quyết trên cơ sở xem xét về thiệt hại, sự hợp lý... Điều đó không có nghĩa bên nguyên đơn đòi bồi thường bao nhiêu thì sẽ được tuyên bồi thường bấy nhiêu.