Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 19-9, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác. Trước đó, tháng 3-2024, giai đoạn 1 của vụ án cũng đã được xét xử sơ thẩm.
Trong giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 33 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Ngoài các cáo buộc nêu trên, kết luận điều tra cũng thể hiện việc cơ quan điều tra làm rõ các kiến nghị trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án. Trong đó, có việc làm rõ số tiền 147 triệu USD mà bị cáo Trương Mỹ Lan thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần tại Công ty Amaland có nguồn tiền từ SCB hay không.
Chưa có kết quả điều tra về 147 triệu USD của Trương Mỹ Lan
Theo bản án sơ thẩm giai đoạn 1, Công ty TNHH đô thị Sing Việt là chủ đầu tư dự án khu đô thị và khu tái định cư Sing Việt (huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Trong đó, Công ty Amaland tại Singapore sở hữu 100% cổ phần tại Công ty TNHH đô thị Sing Việt. Hiện cả hai dự án này chưa được triển khai xây dựng do chưa được cấp Giấy phép xây dựng.
Ngày 5-4-2020, Công ty Amaland chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH đô thị Sing Việt cho Công ty CP đầu tư Singapore - Việt Nam (SVIC) theo hợp đồng không hủy ngang với giá trị 170 triệu USD. SVIC đã thanh toán trước 16,5 triệu USD; hai lần chuyển tổng cộng 100 triệu USD vào tài khoản tạm khóa và đề nghị Công ty Amaland chuyển giao cổ phần.
Tuy nhiên, năm 2022 bị cáo Trương Mỹ Lan dùng 147 triệu USD thông qua Công ty Vivaland mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland tại Singapore và ủy quyền cho 3 cá nhân nắm giữ vốn góp tại Công ty TNHH đô thị Sing Việt.
Hiện Công ty SIVC khởi kiện Công ty Amaland tại TAND TP.HCM.
HĐXX sơ thẩm giai đoạn 1 nhận định bị cáo Lan đã sử dụng rất nhiều tiền của SCB để mua bất động sản, liên quan việc bị cáo Lan có dùng tiền của SCB thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần tại Công ty Amaland hay không thì chưa được làm rõ.
HĐXX đề nghị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tiếp tục điều tra để có căn cứ thu hồi số tiền này từ Công ty Amaland để đảm bảo nghĩa vụ khắc phục của Trương Mỹ Lan cho vụ án.
Theo kết luận điều tra giai đoạn 2 của vụ án, Chu Duyệt Phấn (con gái của bà Trương Mỹ Lan) làm đại diện và báo cáo về việc Trương Mỹ Lan mua 100% cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland (bao gồm 97% cổ phần do Công ty Regionland nắm giữ và gần 3% cổ phần do các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ). Công ty Amaland đã ủy quyền cho 3 cá nhân do Trương Mỹ Lan chỉ định nắm giữ 100% vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Sing Việt.
Do vốn góp của Công ty Amaland tại Công ty TNHH Đô thị Sing Việt đang có tranh chấp nên phía bà Lan do Chu Duyệt Phấn làm đại diện đã liên hệ với luật sư Chiu Bing Keung Kenneth (đang bị truy tố và đưa ra xét xử về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trong giai đoạn 2 của vụ án) làm thủ tục chuyển nhượng khoảng 97% cổ phần do Công ty Regionaland nắm giữ tại Công ty Amaland.
Chu Duyệt Phấn đã nộp hồ sơ chuyển nhượng tại Singapore vào tháng 9-2023 nhưng chưa có kết quả.
Đến nay, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (do Chu Duyệt Phấn làm đại diện) đã báo cáo về việc phía Singapore từ chối hoàn tất thủ tục chuyển nhượng vì nắm được thông tin bà Trương Mỹ Lan và chồng là ông Chu Lập Cơ đang bị khởi tố điều tra.
Cơ quan CSĐT Bộ công an đã ban hành Ủy thác tư pháp cho Cơ quan Tổng chưởng lý Singapore thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, xác minh hồ sơ pháp lý, chủ sở hữu tài sản và tình trạng pháp lý hiện nay của các tài sản liên quan đến Công ty Amaland, Công ty Regionaland, Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ. Tuy nhiên đến nay chưa có kết quả.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển hồ sơ, tài liệu có liên quan để tòa án xem xét, xử lý theo quy định.
Có thể kê biên để tránh tẩu tán tài sản hay không?
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử (giai đoạn 2), Công ty SIVC và Công ty Amaland được triệu tập đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Có ý kiến cho rằng 97% cổ phần do Công ty Regionaland nắm giữ tại Công ty Amaland sau khi được xác định ở giai đoạn 2 được mua từ nguồn tiền của SCB là tang vật của vụ án nên cần phải kê biên để đảm bảo quyền lợi cho bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Vậy pháp luật tố tụng hình sự quy định như thế nào về vấn đề này?
Theo TS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM), Khoản 1 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), biện pháp kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Khoản 3 Điều 128 BLTTHS quy định, chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
"Hiện nay, vẫn chưa xác định rõ giá trị số tiền Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải bồi thường thiệt hại nên các cơ quan chức năng cần phải kê biên các tài sản liên quan đến vụ án nhằm đảm bảo việc thi hành án", TS Thảo nhận định.
Cũng theo ông, trong trường hợp này, cần xác định Công ty Vivaland có liên quan tới bị cáo Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay không và số tiền 147 triệu USD mà bị cáo Trương Mỹ Lan dùng thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần tại Công ty Amaland thì có nguồn tiền từ SCB hay không. Nếu xác định được có liên quan thì phải thực hiện kê biên tài sản liên quan đến 97% cổ phần nêu trên và kê biên cả quyền tài sản phát sinh của nhóm công ty Vivaland (F1) và các khoản đầu tư của công ty Regionaland (F2) và công ty Amaland.
Còn theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan buộc phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP SCB hơn 673.000 tỉ đồng ở giai đoạn 1. Còn đến giai đoạn 2, số lượng bị hại lên đến hơn 36.000 người. Với khối tài sản của bà Lan và những bị cáo liên quan không chắc sẽ đảm bảo việc thi hành án và còn nhiều tài sản khó xử lý để thi hành án. Trong khi đó, việc thực hiện kê biên tài sản của bị can, bị cáo nhằm mục đích phòng ngừa tài sản bị tẩu tán và để đảm bảo công tác thi hành án về sau.
Với vụ án Vạn Thịnh Phát, theo luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, hiện nay vẫn chưa xác định rõ số tiền phải bồi thường thiệt hại nên cơ quan chức năng và người có thẩm quyền có thể sẽ tiến hành thực hiện kê biên tài sản nghi ngờ liên quan đến vụ án nhằm hạn chế một số quyền định đoạt đối với các tài sản nêu trên để tránh việc tẩu tán tài sản và đảm bảo cho công tác thi hành án sau này.
Trong trường hợp đã có kết luận điều tra về việc tài sản không liên quan đến vụ án, không liên quan đến bà Trương Mỹ Lan thì các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định hủy kê biên đối với tài sản đó.
Như vậy, trong trường hợp này, có thể áp dụng biện pháp kê biên với các tài sản nghi ngờ liên quan đến vụ án nhằm tránh trường hợp tẩu tán tài sản và đảm bảo cho việc thi hành án. Khi có kết luận chính thức về tài sản có liên quan đến vụ án hay không, các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền sẽ có thể ban hành quyết định hủy kê biên hoặc tiếp tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.
CQĐT đã kê biên nhiều tài sản
Trong giai đoạn 2 của vụ án, CQĐT đã tiến hành thu giữ, ngăn chặn giao dịch, kê biên nhiều tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.
Trong đó, tổng số tiền thu giữ trong vụ án là 408 tỉ đồng. CQĐT phong tỏa 79 tài khoản của các bị can với tổng số tiền 92 tỉ đồng và 5.799 USD. Ngoài ra, CQĐT ngăn chặn giao dịch đối với 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị can, người liên quan và các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỉ đồng và 261.914 USD.
CQĐT kê biên tài sản, ngăn chặn giao dịch đối với cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) và các bị can, cá nhân khác tại 9 công ty.
Về bất động sản, CQĐT kê biên các tài sản nhà đất và tài sản khác gắn liền với đất của bà Trương Mỹ Lan và liên quan đến bà Lan, cùng nhiều bị can khác...